Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa báo cáo Quốc hội về công tác của các toà án. Một trong những nội dung đáng chú ý được Chánh án TAND Tối cao đề cập là công tác cán bộ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ.

Bổ nhiệm mới 16 thẩm phán cao cấp

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tính đến ngày 31/3/2024, hệ thống TAND có 13.833 biên chế, gồm 6.499 thẩm phán; 6.935 thẩm tra viên, thư ký tòa án và tương đương, 81 viên chức và 318 chức danh khác. Trong đó có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư; 69 tiến sỹ, 3.733 thạc sỹ, 9.834 cử nhân.

Trong 6 tháng qua, Chánh án TAND Tối cao đã trình Chủ tịch nước bổ nhiệm mới 16 thẩm phán cao cấp, 99 thẩm phán trung cấp và 101 thẩm phán sơ cấp; bổ nhiệm lại 5 thẩm phán trung cấp, 190 thẩm phán sơ cấp; miễn nhiệm 3 thẩm phán.

nguyenhoabinh.jpeg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QH

TAND Tối cao đã đề nghị bổ sung quy hoạch phó chánh án TAND Tối cao giai đoạn 2021-2026, xây dựng quy hoạch phó chánh án TAND Tối cao giai đoạn 2026-2031 đối với 3 người; tiến hành quy trình rà soát, lấy phiếu giới thiệu nhân sự đề nghị bổ sung quy hoạch lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, TAND Tối cao cũng đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quy trình và thẩm định hồ sơ đề nghị phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch đối với các chức danh chánh án, phó chánh án TAND cấp tỉnh.

Đồng thời, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm lại 1 phó chánh án TAND Tối cao; bổ nhiệm hoặc điều động bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị TAND Tối cao và TAND cấp cao đối với 46 trường hợp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ chánh án, phó chánh án TAND cấp tỉnh/cấp huyện đối với 299 trường hợp.

TAND Tối cao đã ban hành Kế hoạch thi tuyển chọn, nâng ngạch thẩm phán năm 2024 để bổ sung số thẩm phán còn thiếu cho các tòa án; tổ chức thi nâng ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương đối với 193 người.

Cạnh đó, TAND Tối cao đã xây dựng danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương trong TAND; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt danh mục vị trí việc làm, nghị quyết về chế độ tiền lương mới cho các chức vụ lãnh đạo quản lý và chức danh chuyên môn trong TAND.

TAND Tối cao thường xuyên thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong nâng bậc lương, nâng lương trước thời hạn, nghỉ chế độ hưu trí, thai sản…

Công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong TAND được triển khai nghiêm túc, hiệu quả. Cụ thể đã thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 291 công chức đi nước ngoài về việc riêng; thẩm tra tiêu chuẩn chính trị cán bộ, công chức chuyển công tác đến TAND Tối cao đối với 4 trường hợp.

Làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.

TAND Tối cao đã thành lập các đoàn kiểm tra do các lãnh đạo, thẩm phán TAND Tối cao làm trưởng đoàn để kiểm tra công tác chuyên môn năm 2023 của các TAND cấp cao và TAND 2 cấp tại 25 tỉnh, thành; tổ chức 3 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ.

Cụ thể, thanh tra, kiểm tra TAND tỉnh Bình Dương và 2 đơn vị TAND cấp huyện thuộc Bình Dương; TAND TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng và Báo Công lý.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, thẩm phán; các tòa án đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Công tác kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập trong TAND được thực hiện nghiêm túc. TAND Tối cao đã xây dựng kế hoạch xác minh tài sản thu nhập năm 2024, triển khai tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập trong hệ thống tòa án đảm bảo thống nhất, đúng quy định của pháp luật...

Trong thời gian tới, ngành tòa án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức cán bộ. Trong đó, hoàn thiện mô tả vị trí việc làm của công chức, viên chức trong TAND, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ xây dựng cơ cấu công chức của tòa án các cấp.

Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của tòa án các cấp; thực hiện tốt công tác tuyển dụng công chức để kịp thời bổ sung biên chế công chức, thẩm phán cho tòa án các cấp.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng cam kết làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác gắn với tăng cường đào tạo, rèn luyện, thử thách để đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho TAND.

Chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội TRONG 6 THÁNG QUA

Về thụ lý, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, ông Nguyễn Hòa Bình khẳng định các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung. 

Cùng với việc quyết định hình phạt, tòa án cũng tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với những khoản tiền nhận hối lộ, được hưởng lợi từ việc phạm tội hoặc phải bồi thường, khắc phục hậu quả đối với những khoản tiền bị thất thoát, chiếm đoạt. 

Các tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 69 vụ với 216 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền và tài sản trên 1.662 tỷ đồng; có 59 vụ với 188 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 266 tỷ đồng.

TAND Tối cao đã tập trung chỉ đạo các tòa án tổ chức xét xử nghiêm minh, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ án dư luận xã hội quan tâm...

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/3/2024 chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội.