Bộ đôi nữ nhiếp ảnh gia trong thời kỳ hoàng kim của tạp chí
Nhà phê bình nghệ thuật Carol Kino giới thiệu Double Click: Twin Photographers in the Golden Age of Magazines, cuốn tiểu sử hấp dẫn về Frances và Kathryn McLaughlin (1919–2014), cặp song sinh từng là nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng trong những năm 1940, giai đoạn hoàng kim của các tạp chí Mỹ.
Sau khi được người dì tặng một chiếc máy ảnh nhân dịp tốt nghiệp trung học, 2 chị em McLaughlin đã nuôi dưỡng tình yêu với nhiếp ảnh. Vào năm 1940, họ bắt đầu làm người mẫu và đăng ảnh trên College Bazaar, một ấn phẩm của Harper's Bazaar.
Sau năm cuối đại học tại Viện Pratt, họ được chọn tham gia Prix de Paris của tạp chí Vogue, chương trình cộng tác kéo dài một năm với tạp chí này ở Paris và New York. Tại đây, 2 chị em có cơ hội tiếp xúc những ngôi sao trong lĩnh vực nhiếp ảnh như Richard Avedon, André Kertész và Lee Miller.
Năm 1943, Frances gia nhập công ty xuất bản Condé Nast với tư cách nữ nhiếp ảnh gia duy nhất trong “vùng trời các ngôi sao nam”, chụp những bức ảnh màu và ảnh mang phong cách điện ảnh hiện thực (cinema verité) cho tạp chí Vogue và Glamour.
Trong khi đó, Kathryn thực hiện những bộ ảnh thời trang gợi cảm, “lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực” với Charm, Mademoiselle và Junior Bazaar, sau đó trở thành nhiếp ảnh gia trẻ em cho các tạp chí như Parent.
Khai thác kho lưu trữ của 2 chị em và dựa trên các cuộc phỏng vấn với các thành viên trong gia đình họ, Kino vẽ nên bức chân dung sống động về nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh trưởng thành giữa những thay đổi to lớn trong việc xuất bản tạp chí và vai trò của phụ nữ đối với văn hoá đại chúng.
Phụ nữ và xe hơi
Nhà báo Nichols kể lại một câu chuyện lịch sử độc đáo, hấp dẫn về phụ nữ và ô tô trong cuốn sách Women Behind the Wheel: An Unexpected and Personal History of the Car.
Xem xét chiến lược tiếp thị và quảng cáo của các nhà sản xuất ô tô trong nhiều thập kỷ, Nichols nhận thấy rằng không lâu sau khi được phát minh vào những năm 1880, ô tô đã trở thành “công nghệ mang đặc điểm giới tính nhiều nhất của chúng ta”.
Rất nhiều quảng cáo hướng trực tiếp đến phụ nữ. “Các công ty ô tô chủ yếu chuyển sang nhấn mạnh khía cạnh thời trang và phong cách để thúc đẩy doanh số bán hàng, với phụ nữ là đối tượng mục tiêu của họ”, Nichols nhận định.
Thậm chí, họ còn muốn kết hợp sự mạnh mẽ của xe với sự nữ tính của phái đẹp. “Liên tưởng về sự tương đồng giữa cơ thể phụ nữ và thân xe được vẽ ra từ rất sớm và rõ ràng đến mức trở thành một bức tranh hài hước đăng trên Vanity Fair tháng 5/1920”, một đoạn trích từ Women Behind the Wheel: An Unexpected and Personal History of the Car.
Xuyên suốt quyển sách, Nichols đan xen nghiên cứu tỉ mỉ, hấp dẫn về lịch sử kỹ thuật và quảng cáo với những suy ngẫm sâu sắc về ảnh hưởng to lớn của ô tô đối với chính gia đình bà. Đó là câu chuyện về một người chú thiệt mạng trong vụ tai nạn ô tô, người cha nghiện rượu là nhân viên bán xe cũ, thời gian bà lái xe đưa bản thân và con trai đi điều trị ung thư.
Lịch sử nữ quyền qua trò giải ô chữ
Anna Shechtman, tác giả biên soạn ô chữ cho New York Times và New Yorker, người được trang The Guardian gọi là “nữ hoàng mới của trò chơi ô chữ”, giới thiệu The Riddles of the Sphinx: Inheriting the Feminist History of the Crossword Puzzle với một cuộc khám phá thú vị về di sản nữ quyền của trò chơi ô chữ.
Đề cập đến 4 người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trò chơi ô chữ, bao gồm Ruth Hale, Margaret Farrar, Julia Penelope và Ruth von Phul, Shechtman viết về hành trình trò chơi ô chữ được phát minh vào năm 1913, đến mức độ phổ biến ngày càng tăng trong những năm 1920 và 1930, cho đến cuối cùng được các tờ báo và tạp chí sử dụng rộng rãi.
Cho rằng phụ nữ đóng vai trò chính trong việc sáng tạo trò chơi ô chữ, Shechtman giải thích sự phát triển của công nghệ máy tính đã thay đổi cách thức hoạt động của những người biên soạn trò chơi, dẫn đến việc nam giới tiếp quản lĩnh vực này những thập kỷ gần đây.
Ghép nối lịch sử với những tâm sự cá nhân, cuốn sách ghi lại cả tình yêu của bà đối với việc biên soạn trò chơi ô chữ và cuộc đấu tranh thời trẻ với chứng biếng ăn. Shechtman cho rằng cả chứng rối loạn ăn uống và thói quen sáng tạo ô chữ của bà đều bắt nguồn từ nhu cầu kiểm soát - cả cơ thể và ngôn ngữ.
Ngoài ra, trong The Riddles of the Sphinx: Inheriting the Feminist History of the Crossword Puzzle, Shechtman cũng đi sâu tìm hiểu xem giới tính, chủng tộc và chính trị ảnh hưởng như thế nào đến trò chơi ô chữ.