Ở thời điểm hiện tại của cuộc xung đột Nga và Ukraine, các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển nắm vai trò quan trọng trong việc tiêu hao khí tài quân sự của đối phương. Nhờ nguồn viện trợ quân sự dồi dào từ Mỹ và nhiều quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nên kho vũ khí của quân đội Ukraine đã được trang bị thêm một số loại vũ khí chống tăng có điều khiển hiện đại.
Dưới đây là thông tin về ba loại tên lửa chống tăng có điều khiển được quân đội Ukraine sử dụng để khắc chế một phần ưu thế tăng-thiết giáp của Nga.
Tên lửa Javelin của Mỹ
Javelin, trong tiếng Anh có nghĩa là cây lao, là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai hoạt động theo nguyên lý “bắn và quên” được Mỹ đưa vào trang bị trong quân đội nước này từ năm 1996. Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương, nhưng cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp vào các tòa nhà, công sự.
Tên lửa Javelin nặng 15,9kg; dài 1,1m; đường kính thân tên lửa 127mm. Tầm bắn hiệu quả và tối đa của Javelin lần lượt 2.500m và 4.750m. Phần đầu tên lửa Javelin được trang bị hai đầu nổ. Đầu nổ thứ nhất sẽ kích nổ khối giáp phản ứng nổ (ERA) bên ngoài và để lộ ra lớp giáp chính của xe tăng, sau đó phần đầu nổ thứ hai sẽ trực tiếp tấn công vào đó.
MBT NLAW của Anh
Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra khoảng một tháng, quân đội Ukraine đã nhận được lô tên lửa chống tăng NLAW từ Anh. Theo lời Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó là ông Anatoly Petrenko, các tên lửa này sẽ được sử dụng “cho mục đích phòng thủ, để bảo vệ binh sĩ và người dân”.
Một số video được truyền thông Nga công bố vào đầu tháng 4/2022 cho thấy, binh sĩ Ukraine khi phòng thủ thành phố Mariupol đã sử dụng hệ thống NLAW để chống lại xe tăng của các lực lượng vũ trang Moscow.
Theo trang Military Today, MBT LAW là tên lửa chống tăng được công ty Saab Bofors Dynamics của Thụy Điển và tập đoàn Thales Air Defence của Anh liên doanh sản xuất. MBT LAW có chiều dài 1,02m; trọng lượng 12,4kg; tầm bắn nằm trong khoảng 20-800m. Các thử nghiệm được quân đội Anh tiến hành cho thấy, tên lửa này đủ khả năng xuyên phá 400-600mm thép đồng nhất (RHA).
Với chiều dài chỉ có 1,02m, nên MBT NLAW khá thích hợp cho việc tác chiến trong môi trường đô thị. Bởi trong môi trường đô thị với không gian hạn hẹp và nhiều góc khuất, các binh sĩ được trang bị loại vũ khí này có thể dễ dàng phục kích khí tài quân sự của đối phương.
Tên lửa MILAN của Pháp
Hãng thông tấn Al Jazeera dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói hồi cuối tháng 4/2022 rằng, Paris đã quyết định chuyển giao số lượng đáng kể khí tài quân sự cho Ukraine, từ tên lửa chống tăng MILAN tới các cỗ pháo tự hành Caesar”.
Trong một số video được trang Voenhronika.ru đăng tải vào đầu tháng Một năm nay, binh sĩ Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa MILAN để ngắm bắn một số mục tiêu quân sự của Nga trong khu vực tiền tuyến ở vùng Donbass.
Missile d'Infanterie Léger Antichar (MILAN, nghĩa là diều hâu trong tiếng Pháp) là tên lửa chống tăng được Pháp và Tây Đức đồng phát triển, đưa vào sản xuất trong những năm đầu thập niên 1970. Tên lửa MILAN nặng 6,73kg, dài 91,8cm. Phần cánh nằm ở đuôi tên lửa có đường kính 26,7cm.
Một tổ hợp chiến đấu MILAN có ba thành phần chính gồm tên lửa chống tăng, bộ điều khiển ngắm bắn và kính ngắm hồng ngoại. MILAN sử dụng hệ thống điều khiển laser bán tự động SACLOS, tức xạ thủ cần chiếu tia laser để điều khiển tên lửa bám theo tia laser đó đến vị trí của mục tiêu. Vận tốc tên lửa khi bay đạt 200 m/s; tầm bắn hiệu quả trong khoảng 200-2.000m.