Trung Quốc
Thị trường game mobile nói riêng và game của Trung Quốc nói chung năm vừa qua và cả năm 2014 dường như đã lên đến đỉnh điểm. Số lượng game tăng chóng mặt, lượng người dùng trong và ngoài nước cũng như số lượng game xuất khẩu đều đứng hàng đầu trên thế giới. Tính đến quý III/2014, tổng thu ròng từ thị trường game đã vượt mức cả năm 2013. Bề ngoài, ngành công nghiệp game Trung Quốc đang ở đỉnh cao của thành công, phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, có một vài đặc điểm khiến người ta có lí do để nghi ngờ độ vững vàng của thành công ấy.
Game Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại có thể nói là phát triển chóng mặt về số lượng, nhưng ngày càng luẩn quẩn về chất lượng. Các nhà phát triển Trung Quốc nghèo nàn về ý tưởng, qua loa về đồ họa và không sáng tạo trong gameplay dẫn đến hiện tượng 1000 game được sản xuất ra thì có đến 95% "na ná".
Tạo hình nhân vật thường lấy sẵn các anime, manga đang nổi. Lối chơi thì 100% copy từ game này qua game khác. Nội dung cốt truyện thì cố o ép theo nội dung anime và manga hoặc các tiểu thuyết tiên hiệp, nhưng vẫn theo một khuôn đúc đến nỗi sau khi chơi game chủ đề manga Nhật do Trung Quốc phát hành, người không biết sẽ tưởng đó lại là một bộ tiên hiệp nào đó.
Trung Quốc cùng là quốc gia luôn gặp báo động đỏ do tình trạng ăn cắp bản quyền diễn ra gần như hàng ngày, vì vậy, nếu không tự sáng tạo ra một game của riêng mình, thì các công ty game khó có thể duy trì một game “ăn cắp” trong thời gian dài mà không bị can thiệp hoặc xử lý hình sự. Đa phần game Trung Quốc có tuổi thọ tính bằng tháng, ngược lại hoàn toàn với những tựa game Âu Mỹ tuy số lượng cực ít nhưng thời gian tồn tại và độ phủ sóng thì không thế so sánh được.
Trong thị trường Trung Quốc hiện nay, một vài công ty lớn phát triển với tốc độ nhanh và quy mô ngày càng mở rộng đã vô tình giết chết nhiều công ty nhỏ và vừa. Thời gian tới, khi thị trường game Trung Quốc không có sự đổi mới sáng tạo gì có thể bứt phá khỏi đường mòn tiên hiệp, kiếm hiệp và ăn cắp bản quyền, rất có thể thị trường hàng đầu thế giới này sẽ rơi vào tình trạng đóng băng sự phát triển mà không phải là những dự đoán tăng trưởng gấp đôi gấp 3 của các tập đoàn game lớn như Tencent, Snail, …
Hơn nữa, với số lượng game thủ đông đảo và chính sách mở cửa ngành game, đôi khi, game Trung Quốc lại gặp phải những đối thủ cạnh tranh đáng gờm ngay trên chính sân nhà của mình.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đã từng có nền công nghiệp game tiên tiến và đi đầu trong game 3D online. Tuy nhiên, do bị kìm kẹp bởi các chính sách hạn chế phát triển ngành game trong nước, thị trường game xứ Kim Chi đã bị người hàng xóm Trung Quốc xâm thực. Rất nhiều công nghệ sản xuất game 3D Hàn Quốc, và cả các kĩ sư giỏi có tâm huyết với ngành game đều đã được Trung Quốc thu nhận khi họ không có đất phát huy sở trường ở trong nước.
Do tình trạng chảy máu chất xám, Hàn Quốc đã từ vị trí tiên phong tụt lùi xuống sau Trung Quốc. Có thể trong tương lai, thị trường này sẽ phát triển theo hướng đi của Trung Quốc với hi vọng có thể tồn tại phái triển mà không vướng mắc gì với chính sách nhà nước.
Nhật Bản
Thị trường game Nhật Bản là một thị trường đặc thù với việc phát triển mạnh nhất và gần như duy nhất 1 thể loại game: game thẻ bài. Tuy nhiên, khác với Trung Quốc, các nhà sản xuất game Nhật Bản đã khiến thể loại game này thăng hoa với sự đa dạng và phong phú không thể tưởng tượng được bởi thêm thắt chiều chi tiết sáng tạo vô cùng xuất sắc. Chủ đề game Nhật Bản có lẽ là phong phú nhất trên thế giới, cho dù chỉ xét trong một dòng game và một loại cốt truyện bởi sự thay đổi chóng mặt trong tạo hình nhân vật cũng như đồ họa tuyệt vời được chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất của nó. Có lẽ chính sự tỉ mỉ và tâm huyết này của các nhà sản xuất game Nhật Bản đã khiến cho những đứa con tinh thần của họ được game thủ và người hâm mộ trân trọng hơn.
Tuy nhiên, việc giam mình trong chiếc ao tù, dù nó có tươi đẹp đến đâu cũng khiến cho thị trường trở nên chật chội và rơi vào một ngõ cụt khác: bão hòa thị trường. Ngược lại với game console đã được toàn cầu hóa từ lâu, game mobile Nhật Bản không hề phổ biến, nếu không muốn nói là rất hiếm hoi về số lượng game xuất khẩu. Điều này một phần có lẽ do chính sách phát hành ở thị trường nước ngoài của Nhật Bản mang nhiều bó buộc. Trước đây, Nhật Bản chỉ phát hành game ở nước ngoài khi có chi nhánh đại diện của công ty mẹ đặt đó thay vì bán bản quyền cho một nhà phát hành trong nước. Điều này gây tốn kém chi phí và hiệu quả mang lại không cao.
Tuy nhiên, gần đây, Nhật Bản cũng đã bắt đầu xuất khẩu game ra nước ngoài theo hình thức thứ hai, đó là bán bản quyền cho một nhà phát hành ở nước sở tại, tương lai chúng ta cũng có thể được trải nghiệm game mobile chất lượng Nhật Bản với phiên bản Việt hóa. Việc mở rộng thị trường sẽ là bước chuyển mình tốt tạo điều kiện cho game mobile Nhật Bản phát triển mạnh trong thời gian tới.
Monkey