Trường THPT Gia Định
Trường được thành lập từ năm 1956, thuộc giáo xứ Nguyễn Duy Khang do linh mục Vũ Khoa Cử làm giám đốc, nên được gọi là Trường tư thục Nguyễn Duy Khang.
Sau ngày đất nước thống nhất, trường được quốc lập hóa và thành lập Trường Phổ thông cấp 2, 3 Thạnh Mỹ Tây, năm 1995 đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2,3 Gia Định.
Đến năm 1999, trường tách cấp 2 và chuyển thành Trường THPT Gia Định như hiện nay.
Năm 2017, Trường THPT Gia Định bàn giao cơ sở cũ và tiếp nhận cơ sở mới xây dựng tại 44 đường D3, phường 25, quận Bình Thạnh.
Trường có tiếng về chất lượng giáo dục, là một trong những trường có điểm chuẩn lớp 10 hàng năm rất cao. Ngoài ra, trường thường xuyên lọt top đầu về kết quả các kỳ thi như học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi thành phố, Olympic 30/4…
Trường THPT Nguyễn Hữu Huân
Trường được thành lập vào năm 1962, mang tên Trường Trung học Thủ Đức. Đến năm học 1965, Ban Doanh lý kiến thiết Đại học Thủ Đức mới đồng ý cho Bộ Giáo dục mướn một lô đất diện tích 15.588m2 với giá tượng trưng 1 đồng/m2/năm, thời hạn 99 năm, dùng làm cơ sở cho trường.
Trên lô đất này có sẵn 5 phòng học của chương trình ấp Tân Sinh. Theo thời gian, số phòng học được xây thêm, trong đó 4 phòng do Thứ trưởng Thương mại tài trợ, 4 phòng do Bộ Giáo dục xây, còn lại hầu hết do công sức của hội phụ huynh đóng góp.
Hơn 60 năm thành lập, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân trải qua nhiều lần đổi tên. Năm 1973, trường được đổi tên thành Trường Trung học Hoàng Đạo; năm 1975 đổi tên thành Trường Phổ thông cấp III Nguyễn Hữu Huân; năm 1980 mang tên Trường PTTH Nguyễn Hữu Huân; năm 1993 trường mang tên Trường PTTH chuyên ban Nguyễn Hữu Huân. Đến năm 2000, trường lại trở về tên gọi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân.
Năm 2003, trường được khởi công xây mới với sở sở vật chất hiện đại, ngoài phòng học có phòng thí nghiệm lý - hóa - sinh, phòng vi tính, phòng Lab, phòng nghe - nhìn và hơn 10 phòng chức năng khác...
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Đỗ Dương Cung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân - cho biết nhà trường ngày càng được học sinh quan tâm. Theo thầy, trường xác định rằng muốn làm tốt công tác quản lý phải quan tâm đến chất lượng giáo dục, bao gồm việc học và sinh hoạt của các em, đồng thời chú trọng giáo dục tâm lý.
“Chúng tôi còn đứng ở vai trò cha mẹ học sinh để biết họ cần gì thì sẽ làm tốt điều đó. Giả sử tôi là phụ huynh, khi đưa con đến học thì mong muốn ở nhà trường những gì? Nhà trường cũng phải đặt câu hỏi với đội ngũ giáo viên về chất lượng, công tác giảng dạy, tổ chức… Đó chính là nghệ thuật của người quản lý, để có thể đạt được mức chất lượng dạy học tốt nhất" - thầy Cung chia sẻ.
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền
Được thành lập cuối năm 1969, trường có tên gọi ban đầu là Trường Trung học Tân Bình. Trong niên khóa đầu tiên, trường đi thuê địa điểm để học tạm tại Trường tư thục Nhân văn (nay là Trường Tiểu học Bành Văn Trân). Lúc ấy, trường mới thu nhận 10 lớp học ở bậc trung học đệ nhất cấp (cấp hai).
Đến năm 1970, thầy trò dời về ngôi trường mới, chính là ở vị trí của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền ngày nay (số 544 đường Lê Văn Duyệt, nay là 544 đường Cách mạng Tháng 8, quận Tân Bình). Năm 1973, trường được đổi tên thành Trường Trung học Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1985, trường lại đổi tên thành Trường cấp ba Nguyễn Văn Trỗi, nhưng sau đó quay về tên cũ là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.
Nhiều năm liền, trường luôn có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất trong hơn 100 trường THPT công lập ở TPHCM.
Nhận xét về điều này, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Ngai cho rằng trong những năm gần đây, phụ huynh đã có điều kiện và quan tâm, đầu tư hơn việc học hành của con em, nhất là khi số con trong các gia đình đã hạn chế. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cùng với các trường như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Huân, Gia Định... là những trường top đầu tuyển sinh vào lớp 10 của thành phố, nên rất được phụ huynh để ý vì họ muốn chọn trường tốt cho con em mình học tập.
Mặt khác, theo ông Ngai, đây là một trường tốt cả trong giảng dạy lẫn cơ sở vật chất. Vì vậy, số đông phụ huynh có con em có trình độ học vấn đủ lượng sức (chủ yếu học sinh giỏi, khá) đều mong có suất học ở đây. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường có hạn theo quy định. Vì vậy, điểm chuẩn lớp 10 hàng năm của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền bị đẩy lên rất cao.