Thông tin trên vừa được bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chia sẻ với VietNamNet bên lề hội thảo “Doanh nghiệp CNTT - Duy trì nhịp độ tăng trưởng” diễn ra chiều ngày 28/2 tại Hà Nội.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ Việt
Chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài đã được Bộ TT&TT xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay. Tại hội nghị “Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới” vào ngày 23/2, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT Nguyễn Thiện Nghĩa đã nhấn mạnh rằng, thị trường công nghệ thế giới có rất nhiều cơ hội.
"Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Và đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi", đại diện Cục Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT nhận xét.
VINASA mới đây đã thực hiện khảo sát với 63 doanh nghiệp CNTT về thực trạng và các mối quan tâm khi tham gia thị trường quốc tế, trong đó có 5 doanh nghiệp có quy mô trên 1.000 nhân sự, còn lại là doanh nghiệp có từ 50 cho đến dưới 1.000 người.
Kết quả cho thấy, thị trường là nhóm vấn đề các doanh nghiệp công nghệ chú trọng hơn cả khi có tới 74,6% quan tâm; 72,6% tập trung về chiến lược tiếp cận thị trường, các kênh và cách thức tiếp cận; 68,3% là tỷ lệ doanh nghiệp chia sẻ mối quan tâm về cơ hội tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Hai nhóm vấn đề tiếp theo là kinh phí và kinh nghiệm của các đơn vị đi trước.
Khảo sát của VINASA chỉ ra rằng, khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường mà các doanh nghiệp CNTT Việt Nam ưu tiên lựa chọn khi vươn ra toàn cầu.
Trao đổi tại hội thảo “Doanh nghiệp CNTT - Duy trì nhịp độ tăng trưởng”, sự kiện đầu tiên trong chuỗi hội thảo ghi dấu 20 năm giải thưởng Sao Khuê, bà Nguyễn Thị Thu Giang nhấn mạnh, ngành CNTT Việt Nam đang đứng trước thời cơ rất lớn cả trong nước và quốc tế.
Hơn 2 năm qua, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã và đang nhận được sự quan tâm và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Cú hích của đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ứng dụng CNTT được triển khai nhanh chóng tại tất cả cơ quan quản lý và các ngành kinh tế từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển của các ông lớn trong ngành sản xuất trên thế giới đầu tư vào Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, cung cấp dịch vụ CNTT rất lớn cho các doanh nghiệp.
Với thị trường quốc tế, chiến lược “Trung Quốc + 1” phát huy tác dụng mạnh mẽ. Mỹ đang tăng trưởng rất nhanh. Tại châu Âu, tác động của chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến nhu cầu tìm kiếm đối tác cung cấp dịch vụ của các quốc gia châu Âu tăng lên rõ rệt. Cùng với đó, nhu cầu từ thị trường các nước trong khu vực cũng phát triển nhanh chóng do sự thiếu hụt về nguồn nhân lực CNTT.
“Để nắm bắt được các cơ hội rất lớn này, việc xây dựng uy tín, thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, ứng dụng đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp các doanh nghiệp mở rộng thị phần, duy trì tốc độ phát triển và có cơ hội đột phá”, đại diện VINASA cho hay.
Doanh nghiệp cần thiết kế được trải nghiệm khách hàng trên môi trường số
Cũng tại hội thảo “Doanh nghiệp CNTT - Duy trì nhịp độ tăng trưởng”, ông Lê Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty cổ phần MISA chia sẻ: MISA hiện có 2.500 nhân sự, với 270.000 khách hàng doanh nghiệp, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao 20 - 30%/năm.
Từ thực tế của doanh nghiệp mình, ông Lê Hồng Quang nhận định, môi trường kinh doanh đã thay đổi rất nhiều; chuyển từ cạnh tranh sản phẩm sang dịch vụ và giờ là cạnh tranh về trải nghiệm.
“Các doanh nghiệp công nghệ, bên cạnh việc phát triển những giải pháp, cần tập trung vào thiết kế được trải nghiệm khách hàng trên môi trường số, xây dựng đội ngũ nhân sự kinh doanh – biến toàn bộ đội ngũ kinh doanh thành các chuyên gia chuyển đổi số, và một điều quan trọng là chuyển đổi số nội tại doanh nghiệp”, ông Lê Hồng Quang nêu quan điểm.
Trong khi đó, Base.vn, doanh nghiệp chuyên cung cấp phần mềm dưới dạng dịch vụ tại Việt Nam lại có những chiến lược tăng trưởng B2B của riêng mình. Ông Hoàng Trung Thiên Vương, đồng sáng lập kiêm Giám đốc marketing của Base.vn cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn, cần tập trung khai thác các khách hàng hiện tại. Đối với phát triển khách hàng mới, việc tối ưu chi phí là ưu tiên.
“Với các khách hàng hiện có, cần tập trung vào chiến lược tăng trưởng MRR - doanh thu hàng tháng từ người sử dụng, và giảm tỷ lệ khách hàng rời bỏ bằng chiến lược về giá, thêm các giá trị gia tăng và tăng chất lượng dịch vụ, sản phẩm hiện có. Với khách hàng mới, quản trị chi phí tiếp cận khách hàng bằng việc tối ưu phễu marketing và phễu sale”, ông Hoàng Trung Thiên Vương chia sẻ.