Sáng 21/12, Bộ Công an tổ chức hội nghị Phòng ngừa vi phạm tội phạm trong chuyển đổi nền kinh tế số và đảm bảo an ninh thông tin mạng đối với dịch vụ nội dung số tại Việt Nam. Dự và điều hành hội nghị có Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp và các cục nghiệp vụ Bộ Công an.
8 triệu cảnh báo tấn công mạng
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05 - Bộ Công an) cho biết, qua chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cho thấy, Việt Nam đang chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần 4.
Theo ông Chính, hiện nay nước ta có 70 triệu người sử dụng internet (tương ứng với 70% dân số) với 154 triệu thiết bị kết nối internet. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin có thứ hạng cao, cơ sở hạ tầng số phát triển nhanh với 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook. Bối cảnh trên đặt ra khó khăn, thách thức lớn trong công tác đảm bảo an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Các đại biểu dự hội nghị |
Qua công tác nắm bắt, điều tra của các đơn vị nghiệp vụ, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, các đối tượng lợi dụng sức lan tỏa, đặc tính ẩn danh, xuyên biên giới, bảo mật cao của internet để hoạt động tuyên truyền phát tán thông tin xấu độc chống phá Đảng, nhà nước. Đặc biệt, trong năm 2021, loại tội phạm này diễn ra nhiều hơn do nước ta tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Các đơn vị nghiệp vụ đã xử lý hơn 1.100 mục tiêu trọng điểm với 2,3 triệu tin, bài viết vi phạm pháp luật. Trong năm 2021, Bộ Công an ghi nhận 8 triệu cảnh báo tấn công mạng với 2.763 cuộc tấn công nhằm trang, cổng thông tin điện tử trong nước (tăng 26 % so với năm 2020).
Đặc biệt, Bộ Công an triệt phá nhiều chuyên án và phạt vi phạm hành chính hàng chục đối tượng; vô hiệu hóa hàng trăm hệ thống thu thập dữ liệu cá nhân trái phép và thu giữ 1.400 GB dữ liệu cá nhân bị chiếm đoạt", Trung tướng Chính cho biết tại hội nghị.
30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước
Đáng chú ý, theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, năm 2021, qua kiểm tra 26 cơ quan đơn vị địa phương, Bộ Công an phát hiện nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng. Hệ thống bị lây nhiễm virus và phần mềm gián điệp nguy hiểm gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống thông tin mạng.
Trong năm 2021, cơ quan chức năng phát hiện 30 vụ lộ, mất bí mật nhà nước với 202 đầu tài liệu. Một số ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 có nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân.
Về tình hình tội phạm sử dụng tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự an toàn xã hội, lãnh đạo Cục A05 cho biết, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng có dấu hiệu gia tăng.
Thủ đoạn phổ biến các đối tượng sử dụng là giả danh cơ quan thực thi pháp luật; xâm nhập giả mạo tài khoản email của doanh nghiệp cá nhân; chiếm quyền điều hành, quản trị để lừa đảo; giả mạo các website, trang thông tin điện tử của ngân hàng; thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo, phát tán tin nhắn thương hiệu và lắp đặt thiết bị đánh cắp thông tin thẻ tại máy ATM, làm giả thẻ...
"Trong 5 năm qua, Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 2.386 chuyên án, khởi tố 1.158 vụ với 1.055 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng", Trung tướng Chính thông tin.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Bổng |
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép nhằm trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với nhiều loại hình hoạt động như: huy động tài chính theo mô hình đa cấp; đầu tư ngoại hối, bất động sản; phát hành tiền ảo theo mô hình đa cấp; bán cổ phiếu, khóa học trên mạng hoặc huy động đủ vốn sẽ đánh sập hệ thống rồi bỏ trốn... Đối với loại tội phạm này, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công an xử lý 12 vụ, khởi tố 9 vụ với 37 đối tượng.
Theo Cục trưởng A05, tình trạng tội phạm trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ thanh toán cũng diễn ra rầm rộ với hình thức sử dụng ví điện tử "rác", sim "rác". Bộ Công an phát hiện và phá hàng loạt đường dây tội phạm với số tiền phạm pháp lên đến hàng nghìn tỉ đồng.
Gần hơn 800 tội phạm nước ngoài bị bắt, xử lý
Một nội dung trọng tâm tại hội nghị được Trung tướng Nguyễn Minh Chính đề cập là tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam. Các phương thức chủ yếu các đối tượng sử dụng là lấy cắp thông tin, làm thẻ ngân hàng để rút tiền; Sử dụng thẻ tín dụng giả để thanh toán "khống" hàng hóa; Thuê địa điểm, thiết lập quản trị, điều hành đánh bạc, cá cược thể thao...
Đến nay, Bộ Công an đã bắt, xử lý 819 đối tượng, khởi tố 48 đối tượng liên quan đến tội phạm nêu trên. Trong đó, có 530 đối tượng người Trung Quốc, 20 người Thái Lan và các đối tượng khác.
Trong thời gian qua, để ngăn ngừa các loại tội phạm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công an đã tham mưu đến Đảng, nhà nước để xây dựng, ban hành chính sách pháp luật. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 30 của Chính phủ về chiến lược An ninh mạng quốc gia. Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mang trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thành lập Ban chỉ đạo an toàn an ninh mạng quốc gia và xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Đoàn Bổng
Một số kinh nghiệm bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình hiện nay
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh tổ quốc.