Như VietNamNet đã đưa, VKSND tỉnh Quảng Ninh mới hoàn tất cáo trạng, truy tố nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và các bị can khác về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ và Trốn thuế.
Theo cáo buộc, từ tháng 3/2013- 5/2022, các bị can Trương Xuân Đước (SN 1971, ở Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1979, vợ của Đước) đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm kiếm lời. Vợ chồng Đước mua bán trái phép 15.674 hoá đơn, thu lợi bất chính hơn 41,2 tỷ đồng.
Trương Xuân Đước và vợ đã đưa hối lộ cho ông Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP Hải Phòng 362 triệu đồng để được tạo điều kiện thành lập các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Khoảng tháng 10-12/2022, vợ chồng Đước biết tin Trương Văn Nam (cháu Đước) bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời điều tra, xác minh về công ty của vợ chồng Đước quản lý, điều hành.
Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo vợ đến gặp ông Đỗ Hữu Ca (SN 1958, đã nghỉ hưu, từng là Giám đốc Công an TP Hải Phòng) để nhờ "chạy tội".
Cáo trạng xác định, vợ chồng Đước đã đưa cho ông Ca 35 tỷ đồng để “chạy án”. Khi đó ông Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý tội “Mua bán trái phép hóa đơn” nhưng đã gian dối hứa hẹn giúp được để nhận tiền và sau đó chiếm đoạt hết.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (giảng viên Luật hình sự, trường Đại học Thuỷ Lợi), nếu chỉ là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi thông qua các quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chắc chắn số tiền này sẽ được trả lại cho người bị hại để phục hồi quyền lợi, giảm bớt những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Tuy nhiên, trong vụ này người bị hại bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đồng thời cũng là bị can trong vụ án, đã có hành vi đưa hối lộ nhưng bất thành. Ở đây, mục đích đưa hối lộ để “chạy án”, là mục đích bất hợp pháp.
Tiến sĩ Cường chỉ ra rằng, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng chưa có án lệ quy định về tình huống nêu trên.
Nhưng qua theo dõi một số phiên tòa xét xử các vụ án tương tự gần đây cho thấy, nếu tòa xác định số tiền lừa đảo như nói ở trên là tài sản sử dụng vào mục đích bất hợp pháp thì sẽ tịch thu xung vào công quỹ Nhà nước chứ không trả lại cho bị cáo được xác định là bị hại trong vụ án.
Theo ý kiến của ông Đặng Văn Cường, không thể bảo vệ hoàn toàn quyền lợi của người bị hại khi bản thân họ đang mong muốn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng bất thành.
“Tới đây, cần có hướng dẫn của tòa tối cao để thống nhất giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng được xác định là người bị hại trong vụ án lừa đảo để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật hình sự”, lời ông Đặng Văn Cường.