Trận ngập lớn nhất trong vòng 7 năm
Nhiều ngày nay, nông dân tỉnh Nam Định như “ngồi trên đống lửa” vì lúa mùa mới gieo cấy bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng do mưa lớn kéo dài. Nhiều diện tích đã cấy đi cấy lại 3 lần mà vẫn có nguy cơ cây lúa không sống được.
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, đến hết ngày 18/7, toàn tỉnh có 37.000ha lúa mùa bị ngập úng do mưa lớn, tập trung nhiều nhất ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực.
Hầu hết các địa phương có diện tích ngập úng lớn đã vận hành 100% công suất các trạm bơm để phục vụ tiêu úng, cứu lúa. Tuy nhiên, do mực nước sông dâng cao khiến công tác tiêu úng gặp khó khăn.
Tại huyện Nghĩa Hưng, có hơn 6.200ha lúa bị ngập úng. Ông Hoàng Quang Tuyến - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng cho biết: "Hiện tại, chúng tôi ưu tiên số 1 là tiêu úng càng nhanh càng tốt, không để ngập quá 5 ngày để cứu lúa, còn sau 7 ngày xác định là mất trắng".
“Đây là trận ngập lớn nhất tại địa phương kể từ năm 2017 đến nay. Mưa lớn kéo dài khiến các cánh đồng lúa bị ngập úng từ ngày 15/7. Sang ngày 16/7, địa phương đã huy động tất cả các trạm bơm điện và các máy bơm dầu để tổ chức tiêu úng.
Tuy nhiên, sau trận mưa lớn đêm 17/7 và sáng 18/7, công tác tiêu úng như “muối bỏ biển” vì lượng nước mưa quá lớn, nước sông cao hơn nước trong ruộng khoảng 40cm.
Công tác bơm tát của người dân gặp nhiều khó khăn, không hiệu quả vì không thể khoanh vùng”, ông Tuyến cho hay.
Trong những ngày tới, dự báo lượng nước trên các sông tiếp tục bổ sung khiến công tác tiêu thoát nước khó khăn hơn, Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hưng khuyến cáo bà con chuẩn bị ngâm ủ, gieo mạ để cấy lại bằng các giống lúa thuần ngắn ngày, chống chịu tốt với sâu bệnh.
Tại huyện Vụ Bản, có khoảng gần 4.700ha bị ngập úng, chiếm 56% tổng diện tích lúa đã gieo cấy.
Trước tình hình trên, ông Trần Đăng Lạp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Vụ Bản cho biết, địa phương đã dồn lực, sử dụng mọi biện pháp tiêu thoát nước chống úng cứu lúa mùa, đặc biệt lưu ý những vùng gieo cấy muộn để giảm thiệt hại tới mức thấp nhất cho bà con.
Qua theo dõi dự báo trước đợt mưa, địa phương đã phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà rút nước đệm trong ruộng xuống 0,6mm. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, lượng nước tăng nhanh vẫn gây ngập diện rộng.
Nhằm thoát nước nhanh nhất, toàn bộ 31 trạm bơm trên địa bàn đã hoạt động hết công suất. Ngoài ra, 46 máy bơm nhỏ của hợp tác xã và bà con cũng được huy động.
Khác với những năm trước, năm nay huyện đã chủ động gieo sạ sớm hơn để tránh mưa, những trà sạ cuối rơi vào ngày 7, 8/7 muộn nhất là 10/7 nên đã có thời gian bén rễ, hạt giống không bị nổi.
Sau đợt ngập úng sâu kéo dài 4 – 5 ngày này, có thể bà con sẽ phải sạ lại khoảng 10 - 15% diện tích gieo sau. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là hi vọng nếu trời ngừng mưa.
Nông dân “chịu trận”
Trước tình hình thời tiết thất thường, người nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Người nông dân lo ngại ngập úng kéo dài khiến cây lúa mới cấy bị thối rễ, ốc bươu vàng phát triển, phá hoại mùa màng về sau.
Ông Nguyễn Văn Do (65 tuổi, trú tại xã Nghĩa Chính, huyện Nghĩa Hưng) cho biết, gia đình ông đã cấy xong hơn 3 mẫu ruộng cách đây 1 tuần, nhưng hiện giờ đều bị ngập trắng.
“Tôi tính sơ sơ các chi phí bỏ vào mỗi sào ruộng khoảng 400 – 500 nghìn đồng, chưa kể công. Nếu cả 3 mẫu lúa hỏng hết thì thiệt hại ít nhất hơn 12 triệu đồng. Mấy ngày nay tôi luôn thấp thỏm không yên”, ông Do chua xót nói.
Cùng chung cảnh ngộ, bà Vũ Thị Cài (trú tại xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản) đứng nhìn gần 4 mẫu lúa của gia đình vẫn ngập sâu trong nước.
Bà Cài buồn rầu nói: “Gia đình tôi chỉ trông vào nguồn thu từ chỗ ruộng lúa này, vậy mà mới gieo sạ xong được 1 tuần đã bị ngập trắng. Chỉ mong trời ngừng mưa thì nước mới có thể rút được.
Mấy hôm nay, các trạm bơm ở địa phương hoạt động suốt ngày đêm nhưng nước cứ bơm ra lại thêm trận mưa lớn dội xuống.
Nước lớn, ốc bươu vàng phát triển rất nhanh. Ngày nào tôi cũng phải đi ra ruộng để bắt bớt ốc. Theo khuyến cáo của địa phương, gia đình tôi đã ngâm thêm lúa giống, chuẩn bị mộng mạ, chờ khi nước rút hết sẽ phải gieo lại từ đầu”.