Những ngày qua, câu chuyện về ngư dân Hoàng Minh Nhơn (26 tuổi) sống sót kỳ diệu sau 38 giờ bơi giữa biển khơi, khiến làng quê Bình Tịnh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) xôn xao. Ai nấy đều thán phục trước nghị lực sinh tồn phi thường của chàng trai trẻ.
Vui mừng vì cậu con trai độc đinh vừa thoát chết hi hữu, ông Hoàng Thanh Tâm (cha của Nhơn) cho biết, ngày 25/2, hai cha con cùng 40 đồng nghiệp trên tàu QNa 94916-TS ra khơi câu mực, chuyến đi dự kiến kéo dài gần 1 tháng.
Công việc của mọi người khi tới ngư trường là một mình chèo thúng giữa biển xuyên đêm để câu mực từ chiều tối đến sáng hôm sau.
Khoảng 15h chiều 3/3, tàu đến ngư trường cách bờ 400 hải lý. Cả thảy 42 chiếc thúng được thả xuống biển và mỗi ngư dân chèo một chiếc thúng để đi câu mực xuyên đêm.
Sáng hôm sau, khi từng chiếc thúng được đưa lên tàu, ông Tâm phát hiện con trai cùng chiếc thúng đã mất định vị.
Lúc này, ông Tâm cùng chủ tàu đã huy động thêm hai chiếc tàu nữa để tham gia tìm kiếm tung tích Nhơn nhưng bất thành.
“Suốt 2 ngày đêm, tôi không thể nào chợp mắt được. Cứ mỗi tiếng trôi qua là niềm hy vọng tắt dần. Có lúc, tôi nghĩ đến mất con thật rồi. Nghe tin dữ báo về, vợ tôi ở nhà cũng liên tục ngất xỉu vì khóc thương con”, ông Tâm nhớ lại.
Thế nhưng, phép màu đã xảy ra. Trưa 5/3, ông Tâm được tàu cá Bình Định báo tin đã vớt được Nhơn, nhưng tình trạng suy yếu nghiêm trọng.
Tình thế khẩn cấp, ông Tâm đã nhờ Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) giúp đỡ khẩn cấp. Nhận tin báo, tàu SAR 412 cùng các y bác sĩ đã lập tức lên đường làm nhiệm vụ cứu nạn.
“Cũng may nhờ có bác sĩ của Danang MRCC cấp cứu kịp thời nên con trai tôi mới giữ được tính mạng. Vì lúc được vớt lên bờ, con không thể ăn uống được gì nữa rồi…”, ông Tâm nói.
Ngay cả khi Nhơn được đưa về bờ và chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng, vợ chồng ông Tâm vẫn chưa thể tin được rằng con mình còn sống.
“Chắc ông trời thương nên trả con trở về. Thật sự, đi biển đã hơn 30 năm nay, nhưng việc con trai có thể sống sót khi 38 giờ bơi giữa biển lạnh như vậy là quá sức tưởng tượng. Đúng là kỳ tích!”, ông Tâm cười nói.
38 giờ sinh tồn trên biển
Sau nhiều ngày cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, hiện sức khỏe đã ổn định nên Nhơn xin về nhà để tĩnh dưỡng.
Nhớ lại chuyến đi biển kinh hoàng, Nhơn kể, khoảng 21h ngày 3/3, một cơn sóng lớn bất ngờ đánh úp chiếc thúng, khiến Nhơn và toàn bộ đồ đạc bị rơi xuống biển. Nhơn chui ra ngoài, cố hết sức lật chiếc thúng lên nhưng không được.
“Trước khi chiếc thúng chìm hẳn, em chỉ kịp chụp được chiếc áo phao đã bị cắt một nửa và cục phao định dạng đeo lên người. Em cố bơi theo ánh sáng lờ mờ phía xa để hy vọng có tàu thuyền nhìn thấy, cứu giúp”, Nhơn nhớ lại.
Gần 2 ngày lênh đênh trên biển, chàng ngư dân 26 tuổi cố tìm kiếm sự trợ giúp nhưng đều vô vọng. Chiếc tàu thứ nhất, thứ hai, rồi chiếc thứ ba cứ thế lướt qua nhưng vẫn không nhìn thấy Nhơn. Không bỏ cuộc, Nhơn tiếp tục vật lộn với những cơn sóng dữ để giành lại sự sống cho mình.
“Suốt gần 2 ngày đêm trôi trên biển, chân tay em tê cóng, tím tái vì lạnh. Do không có gì để bám víu nên em phải bơi liên tục, cả người rã rời. Đói thì có thể chịu được nhưng cơn khát khiến cổ họng bỏng rát, em đành phải uống nước biển, nhưng cứ uống vào được ngụm nào lại ói ra hết.
Khi đêm xuống, dù rất buồn ngủ nhưng em không dám chợp mắt vì sợ thả tay ra khỏi phao sẽ bị chìm xuống biển ngay. Có lúc quá kiệt sức, em cũng nghĩ đến việc buông xuôi rồi, nhưng nghĩ về gia đình, cha mẹ, em lại kiên trì bám chặt lấy phao để bơi tiếp”, Nhơn kể.
Đến 11h trưa ngày 5/3, một tàu cá Bình Định đi ngang qua đã phát hiện và vớt được Nhơn. Sau khi được vớt lên bờ, chàng thanh niên cố dùng chút sức còn lại viết tên tuổi, số hiệu, liên lạc tàu của mình rồi ngất lịm.
Khoảng 1h30 ngày 7/3, lực lượng cứu nạn hàng hải cùng đội ngũ y bác sĩ đã tiếp cận tàu QNa 94916-TS. Sức khỏe nạn nhân lúc này nguy kịch do bị đa chấn thương, suy hô hấp, kiệt sức, không phản ứng với các biện pháp kiểm tra lâm sàng.
Sau khi trải qua ca cấp cứu, Nhơn tiếp tục được chuyển lên tàu SAR 412 để được chăm sóc y tế đặc biệt và khẩn trương đưa về bờ.
Khi được hỏi “diễn biến tâm lý” trong 38 giờ sinh tồn trên biển, Nhơn nói: “Lúc đó em chỉ cố bơi để hy vọng được sống...”.