Ô tô ngày nay được chế tạo với độ kín cách âm tốt, đi kèm sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau ở nội thất. Điều này mang đến sự thích thú và cảm giác hưởng thụ cho người dùng. Tuy nhiên, đặc điểm như một hộp kín của ô tô là điều kiện thích hợp để vi khuẩn, nấm mốc và các hình thái bất lợi khác phát triển, nhất là trong môi trường mưa lạnh và độ ẩm cao như hiện nay ở miền Bắc.
Để lái xe thoải mái và bảo vệ sức khoẻ tốt nhất, các chuyên gia ô tô đã đưa ra những kinh nghiệm dùng ô tô dưới đây áp dụng trong thời tiết lạnh và ẩm ướt.
Xử lý kính xe mờ hơi nước
Độ ẩm trong không khí cao là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hơi nước bị ngưng tụ, đọng lại trên bề mặt mọi vật. Khi nhiệt độ xuống dưới 16 độ C kèm mưa phùn đặc trưng ở miền Bắc, thân xe, gương hay kính ô tô đều bị bao phủ rất nhanh một lớp sương mờ cả trong lẫn ngoài.
Gương và kính nhòe mờ do hơi nước ngưng tụ khiến người lái bị cản trở tầm nhìn, quan sát khó khăn và gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Khi xảy ra hiện tượng trên, người lái cần bật nút sấy kính (trước hoặc sau), và chỉ khoảng 5-10 phút sau là hiện tượng hơi nước bám mờ kính sẽ được giải quyết triệt để.
Lưu ý, khi bật chức năng sấy kính thì cần đóng kín các cửa xe và kéo tấm thảm che táp-lô (nếu có) tránh cửa gió để quá trình làm khô mặt kính nhanh hơn.
Bên cạnh đó, lái xe cũng có thể bật điều hoà lạnh để giảm độ ẩm trong xe, qua đó giúp hiện tượng mờ kính giảm dần cho đến khi hết hẳn.
Nội thất ẩm ướt, mùi khó chịu
Nếu ít đi hoặc đỗ xe ngoài trời thời gian lâu, khi bước vào trong, người tinh ý dễ cảm thấy không khí ẩm ướt vây quanh, thậm chí mùi khó chịu nếu xe ít được vệ sinh.
Nguyên nhân trên đến từ quá trình mở cửa xe, khe hở lâu ngày từ gioăng cửa, thậm chí không khí ẩm bên ngoài thẩm thấu dần vào trong qua khe thoát dưới sàn. Khoang xe ẩm khiến vi khuẩn, nấm mốc phát triển và dễ gây ra mùi hôi khó chịu.
Khi phát hiện khoang xe có mùi khó chịu và có hơi ẩm xâm nhập, chủ xe nên kiểm tra gioăng cửa cốp, cửa xe, cửa sổ, nếu thấy bộ phận này có độ vênh, rách, hư hỏng thì nên thay mới. Đặc biệt hạn chế hạ kính xe khi đang di chuyển dưới thời tiết có mưa phùn, càng khiến nội thất xe nhanh tăng độ ẩm.
Bên cạnh đó, chủ xe nên loại bỏ những đồ vật ẩm ướt bên trong (quần áo cũ, rác, đồ ăn,...) để ngăn chặn tình trạng hơi ẩm có "chỗ trú" trong khoang xe. Xe để một thời gian lâu không sử dụng nên đưa đi vệ sinh dọn sạch nội thất, khử khuẩn.
Chăm sóc hệ thống điện
Một trong những bộ phận chủ xe cần chú ý vào mùa lạnh ẩm ướt là hệ thống dây điện cũng như các mối nối điện do dễ bị oxy hóa. Do toàn bộ chiếc xe luôn được vây quanh bởi không khí đậm đặc hơi nước nên các vị trí dây điện hở rất dễ sinh hiện tượng oxy hóa, gây chập cháy.
Để phòng tránh, chủ xe nên bọc bảo vệ dây điện và các mối nối cẩn thận, không “độ” thêm đèn hay các thiết bị làm tăng công suất tiêu thụ điện, nếu “độ" cần làm ở cơ sở uy tín. Ngoài ra, chủ xe cũng nên làm sạch bộ lọc gió để việc lọc không khí, hút ẩm của điều hoà tốt hơn, qua đó giảm thiểu nguy cơ ẩm ướt trên xe.
Chọn chỗ đỗ
Trong điều kiện thời tiết mưa lạnh, độ ẩm cao thì yếu tố môi trường sẽ tác động trực tiếp đến chiếc xe. Do đó, chủ xe nên chọn cách bảo quản xe khi không sử dụng nhằm tránh sự tác động trực tiếp này.
Các chuyên gia cho rằng, tốt nhất là khi không sử dụng, nên đỗ xe trong gara thoáng, có máy hút ẩm hoặc hệ thống điều hòa không khí.
Trường hợp đỗ xe bên ngoài, nên tránh đỗ ngoài trời mà tìm nơi có mái che, không đỗ xe dưới tán cây hay gần vũng nước. Nếu không có lựa chọn nào khác, việc dùng bạt phủ cũng có tác dụng giảm thiểu ảnh hưởng từ môi trường.
(Tổng hợp)
Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!