Bằng cách nhận ra 4 sai lầm này và thực hiện điều chỉnh cần thiết, bạn sẽ tiết kiệm dễ dàng và hiệu quả hơn.
Nếu bạn muốn hoàn thành một mục tiêu tài chính quan trọng nào đó, quá trình này thường bắt đầu bằng việc tiết kiệm tiền. Bạn sẽ không thể đầu tư cho hưu trí, mua nhà khi không tiết kiệm.
Ai cũng biết tầm quan trọng của tiết kiệm nhưng thực tế là nhiều người đang tiết kiệm quá ít và một phần không nhỏ là do họ đang xem xét quá trình tiết kiệm sai cách. Còn suy nghĩ về tiết kiệm tiền theo 4 cách này, bạn còn đang cản trở chính mình trong việc đạt được các mục tiêu tài chính:
1. Bạn xem tiết kiệm là việc bạn phải làm, không phải việc bạn muốn làm
Tiết kiệm cũng giống như ăn kiêng vậy. Nếu bạn coi đó như một hình thức tước đoạt những thứ mình muốn, bạn sẽ không bao giờ thành công được về lâu về dài.
Tiết kiệm không nên là điều bạn buộc phải làm. Suy nghĩ đó sẽ ngăn cản bạn sử dụng tiền của mình cho những niềm vui. Tiết kiệm tiền nên là điều khiến bạn thấy hào hứng vì nó cho phép bạn đạt được những điều thực sự tuyệt vời.
Cho dù mục đích bạn đang tiết kiệm là gì, để nghỉ hưu hay cho ngôi nhà mơ ước, kỳ nghỉ của cả gia đình, hãy hào hứng với việc tiết kiệm tiền và nghĩ về những điều tuyệt vời mà tiền sẽ mang lại cho bạn. Bạn có thể thoải mái trang trí ngôi nhà của riêng mình hoặc tận hưởng những năm tháng về già trong sự thoải mái, không phải lo lắng về tiền bạc.
Khi bạn thay đổi tư duy và biến tiết kiệm trở thành điều khiến bạn hứng thú, bạn sẽ sẵn sàng gắn bó với ngân sách của mình hơn và háo hức hơn trong việc tìm ra những cách mới để tiết kiệm được nhiều tiền hơn, đến gần hơn với những mục tiêu quan trọng đó.
2. Bạn không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể, có thể đo lường
Nghiên cứu cho thấy những người đặt ra mục tiêu cho mình có nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn. Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ cần đặt ra bất kỳ mục tiêu nào là được, điều bạn cần là những mục tiêu THÔNG MINH (SMART).
Mục tiêu THÔNG MINH (SMART) cần đảm bảo:
S – Specific: Cụ thể, dễ hiểu.
M – Measurable: Đo lường được
A – Attainable: Có thể đạt được
R – Relevant: Thực tế
T – Time-Bound: Thời gian hoàn thành
Điều này có nghĩa rằng đừng mơ hồ về các mục tiêu, hãy đảm bảo rằng bạn có một mốc thời gian chi tiết để có thể đo lường tiến trình của bản thân.
Ví dụ: "Tiết kiệm để nghỉ hưu" không phải là một mục tiêu tốt. Mục tiêu này không nói rõ bạn nên tiết kiệm bao nhiêu trong thời hạn bao lâu hay cách để bạn biết liệu mình có đang đi đúng hướng. Thay vào đó, mục tiêu tốt hơn có thể là "tiết kiệm cho quỹ hưu trí 443 đô la mỗi tháng từ tuổi 25 để có thể kiếm được 1 triệu đô la vào năm 63 tuổi."
Mục tiêu bạn đặt ra cho mình cần là điều bạn thực sự có thể đạt được. Đặt mục tiêu theo cách thứ 2 giúp bạn biết được số tiền cụ thể mình cần tiết kiệm cũng như thời hạn là bao lâu. Bạn sẽ dễ dàng để xác định xem bạn có đạt được mục tiêu tiết kiệm 443 đô la mỗi tháng hay không.
Khi bạn đặt ra mục tiêu tiết kiệm cụ thể, bạn có thể tích lũy số tiền cần thiết vào ngân sách của mình tốt hơn và dễ đến đích hơn thay vì chỉ mơ hồ về những gì bạn cần làm và điều bạn muốn đạt được.
3. Bạn chỉ chuyển tất cả tiền tiết kiệm của mình vào một tài khoản
Nếu tất cả số tiền bạn tiết kiệm được chỉ được chuyển vào một tài khoản tiết kiệm hoặc tệ hơn là để trong tài khoản thanh toán (với lãi suất không đáng kể), bạn đang khiến việc tiết kiệm trở nên khó khăn hơn mức cần thiết.
Bạn sẽ không thể dễ dàng theo dõi các mục tiêu tiết kiệm khác nhau trừ khi có các tài khoản riêng cho từng mục tiêu. Việc chia ra các tài khoản gắn với từng mục đích cụ thể cũng giúp bạn có động lực hơn khi thấy rõ mình đang đến gần với từng mục tiêu cụ thể. Bạn sẽ tránh được cảnh phải động đến cả khoản tiết kiệm khi chỉ cần một số tiền trong đó cho mục đích cụ thể. Các ngân hàng đều cho phép bạn mở nhiều tài khoản tiết kiệm mà bạn có thể liên kết, vì vậy hãy gắn nó với từng mục tiêu của bạn. Điều này cũng sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc cân nhắc lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp (kỳ hạn bao lâu, loại có hay không thể tất toán trước hạn…)
4. Bạn tiết kiệm những đồng còn sót lại mỗi cuối tháng
Nếu bạn định tiết kiệm những gì còn lại sau khi đã thực hiện hết các khoản chi tiêu mỗi tháng, rất có thể bạn sẽ không có gì để tiết kiệm.
Thay vì đặt tất cả các nhu cầu và mong muốn khác lên trên mục tiêu tiết kiệm, hãy đưa tiết kiệm lên vị trí ưu tiên trong ngân sách của bạn. Trước tiên, ngân sách của bạn nên tính đến các nhu cầu cần thiết (như chi phí nhà ở, thực phẩm, phương tiện đi lại và bảo hiểm), tiếp theo là tiết kiệm rồi mới đến các chi tiêu khác. Tiết kiệm tiền quan trọng hơn bất kỳ khoản mua sắm không cần thiết nào mà bạn có thể có.
Khi đã tích lũy được khoản tiết kiệm, hãy phân phối phần tiền còn lại của bạn cho các khoản chi tiêu không cần thiết như giải trí, ăn uống ngoài hàng. Nếu bạn không có đủ để tiết kiệm và trang trải các chi phí khác, hãy tìm cách cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thu nhập.
Sau khi làm quen với việc ưu tiên tiết kiệm trong ngân sách, hãy tự động hóa quy trình, trả tiền cho mình trước bằng cách thiết lập chuyển tiền tự động vào tài khoản tiết kiệm của bạn vào ngày lĩnh lương. Chỉ một thay đổi nhỏ này sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền hiệu quả ngoài mong đợi, nhiều hơn hẳn so với cách tiết kiệm những gì còn sót lại.
Giờ thì bạn có thể bắt đầu tiết kiệm tiền một cách đúng đắn. Bạn đã phát hiện ra những vấn đề của mình và thực hiện những sự điều chỉnh cần thiết trong ngân sách và tư duy để tiết kiệm trở thành một ưu tiên thực sự. Những mục tiêu tài chính sẽ nằm trong tầm tay và những gì bạn tiết kiệm được sẽ chỉ có tăng, không có giảm.
Theo Phụ nữ Việt Nam