Quản lý tập trung các tính năng
Tương tự trong ngành hàng không, ý tưởng của công nghệ ô tô này là kết hợp các tính năng cân bằng điện tử, phanh và vô lăng vào một bộ điều khiển duy nhất. Trên các mẫu xe hiện tại, việc kiểm soát mỗi tính năng này thường được thiết kế tách biệt. Với công nghệ mới, chiếc ô tô sẽ có một hệ thống quản lý và điều khiển tập trung các tính năng dựa trên một bộ mã nguồn duy nhất, nhờ đó, sẽ giúp chiếc xe vận hành thích ứng tối ưu nhất.
Một ví dụ cụ thể là, trong trường hợp xe di chuyển trên mặt đường có độ bám khác nhau, bánh xe bên trái và bên phải sẽ có độ bám đường khác nhau thì khi người lái cần phanh gấp, hệ thống điều khiển sẽ cắt giảm lực phanh trên bánh xe có độ bám tốt hơn để cân bằng với lực phanh bánh còn lại, từ đó, giúp chiếc xe vẫn cân bằng khi giảm tốc độ và giữ đúng làn đường.
Với hệ thống quản lý tập trung các tính năng, vấn đề này sẽ được xử lý thông minh hơn. Lúc này, hệ thống sẽ điều khiển tích hợp đồng bộ giữa việc tối ưu hóa lực phanh của từng bánh sao cho phù hợp với điều kiện tốc độ và địa hình, đồng thời, sẽ có các điều chỉnh tự động ở tay để xe giữ đúng hướng.
Những công nghệ thông minh như vậy hiện vẫn chưa được ứng dụng trên các mẫu xe thương mại hiện nay mà chỉ có ở một số sản phẩm mang tính concept.
Hệ thống giám sát người lái và hành khách
Hiện nay, chỉ các mẫu xe có tính năng tự lái cao cấp mới được trang bị các cảm biến và camera giám sát người lái và hành khách. Tuy nhiên theo quy chuẩn Euro NCAP, các mẫu xe mới trong tương lai đều sẽ được trang bị cảm biến rada 60 GHz. Đây là hệ thống thông minh khi dùng AI đọc, hiểu được tâm trạng, cảm xúc, sức khỏe người lái cũng như phát hiện ra các rủi ro thiếu an toàn khác cho hành khách.
Phát hiện người trong xe: Cảm biến radar được trang bị trong xe sẽ ghi nhận nhịp tim và tần suất hô hấp của người trong xe, từ đó, nhận biết được độ tuổi của những người ngồi trong xe và tình trạng sức khỏe của họ. Nhờ đó, hệ thống sẽ phát hiện và cảnh báo rủi ro để quên trẻ em trên xe- một tai nạn không hiếm gặp của tài xế là các phụ huynh đãng trí. Ứng dụng này cũng có thể can thiệp vào khả năng kích hoạt của hệ thống túi khí khi phân biệt được hành lý hay hành khách có mặt trên xe.
Phát hiện người lái say rượu bia: Hiện tại, tính năng này vẫn còn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Hãng Bosch kỳ vọng rằng công nghệ này sẽ dễ dàng phát hiện được tình trạng sức khỏe tinh thần, cảm xúc của người lái, qua đó, phòng ngừa được các tai nạn do lái xe uống bia rượu gây ra.
Phát hiện tay trên vô lăng: Một camera góc rộng sẽ được bố trí phía trên gương chiếu hậu trong xe, do đó dễ dàng phát hiện người lái có đặt tay trên vô lăng hay không. Công nghệ này cũng sẽ giảm bớt thông báo phiền toái của các hệ thống hiện tại, vốn yêu cầu người lái phải xoay nhẹ vô lăng sau một khoảng thời gian.
Cảnh báo xe đi ngược chiều
Sử dụng dữ liệu GPS thời gian thực, hệ thống này sẽ phát hiện việc đi ngược chiều của các phương tiện trong khu vực giao nhau và đưa ra cảnh báo cho các phương tiện khác sau 5 giây. Người lái sẽ nhận được các thông tin thông qua các biển báo điện tử trên đường, màn hình của giao thức kết nối V2X bên trong xe hay trên các ứng dụng điện thoại.
Tại châu Âu, Bosch đã thử nghiệm ứng dụng Sygic trong 3 năm, theo dõi hơn 3,2 tỷ tương tác giữa các xe, và cảnh báo hơn 600 trường hợp xe ngược chiều. Rất may mắn, đã không có một sự cố nào xảy ra.
Dữ liệu đám mây về pin
Tuổi thọ của pin là một lo ngại lớn đối với người mua xe điện/hybrid, đặc biệt là đối với các xe đã qua sử dụng. Công nghệ mới này đã được Recurrent phát triển, hoạt động như một bản tóm tắt lịch sử hoạt động của những hệ thống pin được lưu sẵn bởi công nghệ đám mây.
Khi tra cứu những thông tin này, người lái có thể tự tin hơn với khả năng hoạt động của những chiếc xe điện/hybrid, cũng như dễ dàng đưa ra đánh giá về chất lượng khi mua bán xe. Các lưu trữ về việc vận hành của pin cũng sẽ thay đổi các bản cập nhật về pin thông qua giao thức không dây, giúp tăng tuổi thọ cho hệ thống này.
Nhật Hoàng (Theo Motor Trend)
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!