Trên bảng đồng hồ của các dòng xe ô tô hiện đại ngày nay, hiển thị rất nhiều biểu tượng đèn thông báo, phần lớn được thiết lập để cảnh báo người điều khiển khi xe gặp một vấn đề nào đó.

Hệ thống cảnh báo áp suất lốp đang ngày càng trở nên phổ biến trên các mẫu xe hiện đại ngày nay. (Ảnh minh họa)

Một trong những đèn cảnh báo trên xe thường được quan tâm nhất là đèn cảnh báo cảm biến áp suất lốp TPMS. TPMS là viết tắt cụm từ Tire Pressure Monitoring System, sẽ cảnh báo với người lái về việc lốp đang bị rò hơi hoặc bơm không đủ hơi.

Trong một số trường hợp nhất định, hệ thống TPMS của xe có thể ghi nhận sai, dẫn đến đèn cảnh báo của hệ thống bật sáng, mà thực tế lốp xe không hề non hơi. Điều này ít nhiều tạo ra sự bối rối cho người lái. 

Nguyên nhân đèn cảnh báo áp suất lốp bật sáng

Có một số lý do khác nhau khiến đèn TPMS của xe có thể bật sáng, mặc dù mỗi lốp xe được bơm căng chính xác theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất mà người lái có thể gặp phải.

1. Cảm biến bị hỏng

Bộ cảm biến áp suất lốp sử dụng dạng van lắp trong. (Ảnh minh họa)

Trong một số trường hợp nhất định, bộ cảm biến TPMS bên trong lốp có thể bị hỏng, vì thế làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động dự báo về áp suất bên trong lốp. Điều này dễ xảy ra sau khi thay lốp, vì quy trình tháo lắp lốp không cẩn thận hoàn toàn có thể làm hư hỏng cảm biến.

2. Chết pin của cảm biến

Cảm biến TPMS được duy trì hoạt động bằng một viên pin được tích hợp bên trong. Mặc dù những loại pin này thường có tuổi thọ cao, từ 2-3 năm nhưng chúng vẫn có xu hướng bị hỏng theo thời gian. 

Điều này khiến cho các thông tin từ bộ cảm biến không thể truyền tới bộ thu TPMS của xe, từ đó hệ thống cảnh báo áp suất lốp sẽ tự động kích hoạt đèn cảnh báo.

3. Bộ thu TPMS bị lỗi

Thiết bị thu nhận tín hiệu từ cảm biến áp suất lốp. (Ảnh minh họa)

Mặc dù khả năng bị lỗi rất nhỏ và hiếm hơn nhiều so với lỗi cảm biến nhưng nếu bộ thu TPMS xảy ra lỗi, nó sẽ không ghi nhận hoặc tính toán không chính xác dữ liệu liên quan đến áp suất lốp.

Sự bất thường cũng sẽ khiến cho đèn TPMS trên bảng đồng hồ bật sáng cho dù áp suất trên mỗi lốp và các cảm biến vẫn đang bình thường.

4. Bánh xe mất lực kéo

Điều này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng nó chỉ xảy ra với những xe được trang bị hệ thống cảnh báo áp suất lốp gián tiếp. Hệ thống cảnh báo áp suất lốp gián tiếp sẽ không có cảm biến áp suất độc lập trong mỗi lốp. 

Hiện tượng bánh xe mất kiểm soát cũng có thể là nguyên nhân khiến đèn cảnh báo TPMS bật sáng. (Ảnh minh họa)

Thay vào đó, hệ thống này sẽ chỉ dựa vào việc sử dụng cảm biến tốc độ quay của bánh xe để xác định áp suất lốp một cách tương đối. Chính vì vậy, khi gặp tình huống bánh xe mất lực kéo đều có thể dẫn đến việc đèn TPMS của xe phát sáng.

Tuy nhiên, hiện nay những xe sử dụng hệ thống cảnh báo áp suất lốp gián tiếp không nhiều do chi phí bộ cảm biến áp suất lốp trực tiếp đã rẻ hơn và quan trọng là nó chính xác hơn bộ cảm biến áp suất lốp gián tiếp. 

Tại Việt Nam, một số xe vẫn sử dụng hệ thống cảnh báo áp suất gián tiếp, có thể kể đến như VinFast Lux A2.0, Lux SA2.0, Hyundai Grand i10…

Có thể lái xe khi đèn TPMS bật sáng hay không?

Đèn cảnh báo áp suất bật sáng cho thấy vấn đề về lốp. (Ảnh minh họa)

Trong hầu hết các trường hợp, sự hiện diện của đèn TPMS trên bảng đồng hồ thường cho thấy áp suất lốp đang ở tình trạng thấp.

Nhưng nếu bạn đã sử dụng các thiết bị đo lốp cầm tay và nhận thấy các lốp vẫn đầy đủ áp suất mà đèn TPMS không tắt thì khả năng cao là xe của bạn đang gặp sự cố về cảm biến hoặc bộ thu TPMS. 

Vì vậy, bạn vẫn có thể lái xe cho dù đèn cảnh báo áp suất lốp vẫn đang sáng. Tất nhiên, sau đó bạn cần khắc phục các lỗi kể trên để đèn TPMS hoạt động một cách chính xác nhất.

Làm thế nào để biết cảm biến TPMS trên lốp nào đang gặp sự cố?

Nhiều chủ xe hay đặt câu hỏi làm sao để nhận biết cảm biến TPMS nào của xe đang có dấu hiệu kém. Điều này tưởng khó nhưng thực tế khá dễ dàng. 

Hệ thống cảnh báo áp suất lốp được hiển thị trên màn hình. (Ảnh: Ngô Minh)

Anh Trần Mạnh - chủ gara TM Auto cho biết: “Nhiều mẫu xe mới hiện nay đều đã có màn hình hiển thị dữ liệu, có thể hiển thị thông tin áp suất của từng lốp. Trong trường hợp này, việc lốp nào hoặc cảm biến nào có vấn đề đều được thể hiện rất rõ trên màn hình hiển thị."

"Trong các trường hợp khác, yêu cầu cần có máy đọc lỗi cảm biến áp suất lốp cầm tay hoặc các máy đọc lỗi ô tô chuyên dùng để thiết lập lại, từ đó sẽ xác định được cảm biến nào không cung cấp phản hồi”, anh Mạnh nói thêm.

Hiện nay, nhiều trung tâm dịch vụ sửa chữa ô tô cung cấp dịch vụ kiểm tra miễn phí, giúp người dùng xe tiết kiệm các khoản chi phí liên quan đến việc mua công cụ chẩn đoán loại này.

Có nên tắt hệ thống TPMS không?

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nhiều phương pháp vô hiệu hóa, lừa hoặc bỏ qua cảnh báo áp suất lốp trên mạng Internet nhưng bạn không nên làm như vậy.

Sự xuất hiện của đèn cảnh báo TPMS là một phần của các hệ thống an toàn được nhà sản xuất trang bị cho chiếc xe mà bạn mua. Chính vì vậy, giống như các hệ thống an toàn khác của xe, tính năng cảnh báo áp suất lốp TPMS trên xe tốt nhất là nên để yên.

Ngô Minh

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!