Trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động. Nhiều cam kết hấp dẫn được đưa ra, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam.
Đêm 21/5, chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam đáp xuống sân bay Nội Bài, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Hiroshima (Nhật Bản) từ ngày 19 – 21/5 thành công tốt đẹp cả trên phương diện đa phương và song phương.
Trả lời báo chí về kết quả chuyến công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động.
Ngoài các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng đã có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo Nhật Bản cũng như lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế... góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.
Thủ tướng Chính phủ đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima; tiếp các nghị sỹ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima; gặp các Hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt – Nhật...
Những cuộc gặp này đều đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến việc hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023 – dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam
Một điểm nhấn quan trọng phải kể đến là qua những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Thủ tướng, các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và cam kết “Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu” được Thủ tướng truyền tải đến các doanh nghiệp Nhật Bản đã tạo thêm niềm tin, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của nước này vào Việt Nam.
Giới đầu tư Nhật Bản đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực, đang phát triển nhanh với đội ngũ nhân lực dồi dào và có trình độ ngày càng được nâng cao, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện.
Với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất, kinh doanh quan trọng nhất của họ. Nhiều hứa hẹn, cam kết đầu tư hấp dẫn tới Việt Nam được các doanh nghiệp đưa ra.
Cụ thể, Hạ nghị sĩ Kobayashi Fumiaki cho biết sẽ tiếp tục dẫn đoàn doanh nghiệp sang Việt Nam hợp tác trong thời gian tới.
Còn ông Akio Yoshida - Chủ tịch điều hành Tập đoàn AEON thì cam kết sẽ phát triển khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam, tập trung kinh doanh siêu thị, và vui chơi giải trí. Tập đoàn này cũng mở rộng nhập khẩu hàng hàng Việt Nam để phân phối tại hơn 20.000 trung tâm thương mại tại Nhật Bản.
Ông Fujimoto Masayoshi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sojitz cho biết, có khoảng 70 doanh nghiệp đang tìm hiểu về khả năng Sojitz mở thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam.
Các đề nghị của Thủ tướng về tăng cường hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức... cũng được doanh nghiệp Nhật Bản hưởng ứng.
Đặc biệt, những cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể trong các dự án.
Trong đó có việc tháo gỡ các khó khăn của dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, thúc đẩy tiến độ một số dự án hợp tác ODA như Bệnh viện Chợ Rẫy 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên tại TPHCM…
500 triệu USD dành cho các dự án ODA thế hệ mới
Một điểm nhấn đáng chú ý trong chuyến công tác đến Nhật Bản lần này của Thủ tướng là Việt Nam - Nhật Bản đã đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác ODA và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ Yên (khoảng 500 triệu USD).
Khoản vốn này dành cho các dự án chương trình ODA thế hệ mới phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19; dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.
“Có thể nói, hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ là những định hướng trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng hai nước trong giai đoạn mới”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, qua các cuộc gặp song phương, gặp gỡ của Thủ tướng đã giúp Việt Nam thúc đẩy quan hệ hợp tác trong phát triển kinh tế xã hội, đầu tư và thương mại.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải bày tỏ tin tưởng, sau chuyến công tác này, Việt Nam cùng những nước G7 và G7 mở rộng có cơ hội hợp tác, đem lại lợi ích kinh tế xã hội, giúp các nước qua hợp tác đa phương để vượt qua mọi thách thức.
Đề cập đến nguồn vốn ODA khoảng 500 triệu USD Nhật Bản vừa ký kết cấp cho Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, ngoài vốn ngân sách, vốn tư từ doanh nghiệp thì nguồn vốn ODA này rất cần thiết.
Trong đó, Việt Nam đề xuất Nhật Bản tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam nguồn vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng có tính chất chiến lược như đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý, quan trọng là phải huy động nguồn vốn ODA có ưu đãi đặc biệt thì mới đem lại hiệu quả.
“Việc huy động được vốn ODA trong giai đoạn này phục vụ một số dự án hạ tầng giao thông sẽ đỡ gánh nặng cho ngân sách quốc gia trong bối cảnh chúng ta đang có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đang cần sử dụng ngân sách”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói.
Nói về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới, ông Thắng cho hay: “Khi sử dụng các nguồn vốn ODA, điều chúng tôi lo lắng nhất là quy trình thủ tục phức tạp làm cho dự án kéo dài”.
Bởi việc này có thể làm cho khoản vốn ODA từ vay lãi suất ưu đãi trở thành khoản vay lãi suất cao, nếu chúng ta không rút giảm thời gian.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ quyết liệt trong chỉ đạo để tổng mức đầu tư phù hợp, không để phát sinh chi phí, kéo dài thời gian.
Các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả lãnh đạo G7, nước khách mời và nhiều tổ chức quốc tế.
Trong trao đổi, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.
Tại những phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng.
Trong đó, Thủ tướng có nhấn mạnh đến Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay…
Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu.