Treo từng chiếc đèn ông sao lên mái nhà, ông Nguyễn Đức Hùng (62 tuổi, phố Mật Sơn 2, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) chốc chốc lại ngóng lên trời xem thời tiết.
"Trời thương nắng thế này là người làm đèn ăn nên làm ra, ngày xuất kho mấy chục cái đèn, có hôm may mắn lên cả trăm cái. Trời mà mưa mấy ngày liền thì "ế chỏng, ế chơ", ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, nghề chính của gia đình là làm đồ hàng mã, song cứ sau rằm tháng 7, gia đình ông lại chuyển sang làm đèn ông sao, đèn kéo quân phục vụ dịp tết Trung thu.
Chỉ một tháng làm đèn nhưng đây được xem là dịp "hốt bạc" của gia đình ông cũng như các hộ dân làm nghề nơi đây.
Ông Hùng cho hay, từ đầu tháng 8 âm lịch đến giờ, số lượng các xe ra vào mua hàng tấp nập, khách hàng gọi điện "chốt đơn" liên tục, nhiều hôm công nhân phải làm tới 21h mới xong.
"Sáng nay có xe đến nhập 49 chiếc đèn ông sao các loại chở ra Hưng Yên", ông Hùng khoe.
Bình quân mỗi ngày 3 lao động tại nhà ông Hùng sẽ hoàn thành 20 chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân các loại. Dịp Trung thu năm nay xưởng sản xuất của ông đã bán ra hơn 500 chiếc đèn.
Theo ông Hùng, năm nay không chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự trù đơn hàng sẽ tăng nên ông đã huy động tối đa công suất.
"Hiện lượng hàng còn tồn nhiều trong kho, nếu thời tiết thuận lợi, không mưa gió thì không lo ế hàng. Nhưng "người tính không bằng trời tính", vào dịp Trung thu, thời tiết thất thường. Những năm không mưa gió thì đắt hàng, năm nào mà hễ giông gió là đèn chỉ để… ngắm", ông Hùng cho hay.
Ông Hùng dẫn chứng, cách đây 5 năm, cũng dịp tết Trung thu, làng nghề với cả nghìn chiếc đèn lồng ế không bán được, chỉ bởi thời tiết mưa gió triền miên. Hàng làm ra không xuất bán, nợ nần bởi vốn đầu tư, tiền thuê nhân công, mua vật liệu khiến cho nhiều hộ phải bỏ nghề, chuyển nghề.
Với 40 năm gắn bó làm đèn trung thu truyền thống, trải qua bao thăng trầm của nghề, đã có những lúc tưởng chừng ông phải bỏ nghề. Tuy nhiên, vì tình yêu nghề và trách nhiệm "giữ lửa" cho nghề đã giúp ông bám trụ đến ngày hôm nay.
Cầm trên tay chiếc đèn ông sao 5 cánh, ở giữa có in hình Bác Hồ, ông Hùng tỉ mẩn phân tích thế nào là một chiếc đèn đẹp, nhìn đèn có thể biết tay nghề người làm.
Người thợ 40 năm làm nghề cho biết, một chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân đẹp phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ. Đó là một chiếc đèn có khung phải thật khít, chắc chắn, sắc nét, màu sắc rực rỡ, bắt mắt…
Từ xưa đến nay, cách làm đèn không có nhiều thay đổi chỉ khác về sự lựa chọn vật liệu, kích thước và chủng loại. Nếu trước đây, các cánh đèn chủ yếu làm bằng vật liệu giấy bóng kính, nan tre, nứa… kích thước nhỏ thì nay, đèn được bọc bằng bạt, khung thậm chí bằng kim loại, kích thước lớn.
Tùy vào nhu cầu người mua mà giá đèn ông sao có nhiều mức khác nhau. Thường giá từ 160.000 đồng đến 350.000 đồng/chiếc, thậm chí có những chiếc lên đến gần 2 triệu đồng.
Theo ông Hùng thời kỳ hoàng kim của nghề làm đèn lồng, đèn ông sao là vào những năm 2000, cả làng Mật Sơn nhà nào cũng sản xuất đèn ông sao, đèn kéo quân. Riêng cơ sở sản xuất của gia đình ông Hùng một lúc nuôi 10 lao động, làm ra từ 30 đến 40 đèn trong ngày, mỗi dịp tết Trung thu ông bán đến 3.000 chiếc lồng đèn.
Ông Phạm Ngọc Oánh, Trưởng khu phố Mật Sơn 2 cho biết, gia đình ông Hùng là một trong những cơ sở làm đèn thâm niên nhất của làng nghề Mật Sơn (nay là phố Mật Sơn 2). Sản phẩm của làng nghề không chỉ mang lại doanh thu cho các cơ sở mà còn tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
"Dịp này bà con làng nghề chỉ mong trời tạnh ráo, bán được hàng, thậm chí có năm khan hiếm hàng. Trời mà mưa coi như là ế nên họ vừa làm vừa nơm nớp lo", ông Oánh nói.
Theo Dân Trí