Ông James Dong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada cho biết, các sàn Thương mại điện tử đã vượt qua các nền tảng mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để trở thành kênh khám phá sản phẩm ưa thích của người tiêu dùng. Trong 2 năm qua, sự thay đổi trong hành vi và tư duy tiêu dùng đã thúc đẩy khách hàng để tìm kiếm những sản phẩm chính hãng và tận hưởng trải nghiệm mua sắm chất lượng.
Bên cạnh đó, các thương hiệu có nhiều cơ hội để kết nối, tương tác với người tiêu dùng hơn thông qua các công cụ hỗ trợ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng trên thương mại điện tử, đồng thời nâng cao sự gắn kết với nhóm khách hàng mục tiêu của họ.
Ngành Thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng trưởng vượt bậc từ năm 2019 đến năm 2021 do lượng người mua hàng gia tăng kỷ lục trong thời kỳ đại dịch.
Theo ông James Chang, Giám đốc Kinh doanh của tập đoàn, khi người tiêu dùng quay trở lại lối sống thường nhật sau đại dịch, họ vẫn sẽ duy trì thói quen mua hàng trực tuyến, cứ 10 người thì sẽ có 8 người tiếp tục mua sắm online. Trong tương lai, sàn thương mại điện tử sẽ tập trung vào việc thu hút và giữ chân khách hàng bằng nhiều yếu tố khác ngoài giá cả và khuyến mại.
Khảo sát cho thấy sự gắn bó và khả năng quay trở lại của khách hàng thường phụ thuộc vào việc nền tảng cung cấp được sự đa dạng về hàng hóa, giá cả cạnh tranh, nhiều tiện ích gia tăng, cũng như việc cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Nói về xu hướng thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Howard Wang, Giám đốc Công nghệ, cho hay, các công ty sử dụng dữ liệu thông minh để hỗ trợ các thương hiệu và nhà bán hàng nhắm đúng đối tượng mục tiêu và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Giải pháp này còn hiệu quả hơn khi sử dụng cùng với công nghệ thực tế tăng cường (AR) nhằm nâng cao kết quả kinh doanh và cải thiện trải nghiệm người dùng.
Công nghệ AR cho phép người dùng được trải nghiệm các sản phẩm làm đẹp trong thời gian thực với kết quả chân thật, từ đó giúp các thương hiệu mang lại trải nghiệm mua sắm siêu thực và được cá nhân hóa phù hợp với người dùng.
Tính năng Dùng thử Sản phẩm (Virtual Try On, VTO) có nhiều chức năng phong phú giúp người dùng thoải mái lựa chọn và dùng thử các sản phẩm như phấn mắt, kẻ mắt, kem nền và phấn má mọi lúc mọi nơi.
Theo báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố, năm 2021 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD.
Hiện, thương mại điện tử xuyên biên giới tại Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn vàng với những bước phát triển nhảy vọt, ước tính sẽ đạt doanh số gần 90 tỷ USD trong năm 2022 và gấp 1,2 lần so với năm trước đó.
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, ước tính đến năm 2023, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Đông Nam Á sẽ đạt 12 tỷ USD, đóng góp tới hơn 40% tổng giá trị thị trường khu vực.