Tình trạng lừa đảo qua mạng (Facebook, Zalo, Viber…) đang trở nên ngày càng tinh vi. Nhiều người bị lừa làm nhiệm vụ, nhận quà tri ân, làm việc tại nhà… Đang hoang mang, muốn lấy lại được khoản tiền đã mất, họ lại bắt gặp quảng cáo trên Facebook của những kẻ giả làm luật sư cam kết sẽ giúp lấy lại được khoản tiền bị treo, bị lừa. Một lần nữa, họ lại rơi vào bẫy lừa đảo trên mạng, có người mất tới vài tỷ đồng.
Mạo danh luật sư quảng cáo “cam kết hỗ trợ lấy lại tiền treo”
Thời gian gần đây, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội liên tục nhận được đơn đề nghị hỗ trợ của nhiều luật sư và tổ chức hành nghề, cũng như công văn chuyển đơn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam phản ánh việc một số đối tượng mạo danh tổ chức hành nghề hoặc cá nhân luật sư trên các trang mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Công ty Luật TNHH Trí Minh, công ty Luật TNHH Lê Hồng Hiển và cộng sự, công ty Luật TNHH Mai Sơn hay văn phòng của luật sư Phạm Hồng Hải… cũng trở thành nạn nhân bị mạo danh.
Hầu hết những luật sư bị mạo danh đều là người nổi tiếng hoặc có hình ảnh, bài báo được chia sẻ trên không gian mạng. Nhóm lừa đảo dùng hình ảnh, thông tin của họ để lập website, tài khoản Facebook, Zalo...
Clip giả mạo các cơ quan chức năng, công ty luật. Các tài khoản ảo tương tác bình luận cảm ơn đã nhận được tiền để tạo lòng tin cho “con mồi”. Clip: Lam Giang
Chúng đăng bài chạy quảng cáo trên Facebook, cam kết sẽ đòi lại được tiền cho các nạn nhân trong các vụ lừa đảo, mất tiền khi gửi vào các app trên mạng. Rất nhiều nạn nhân do không kiểm tra thông tin nên tiếp tục bị các đối tượng mạo danh này lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi có khách bày tỏ mong muốn lấy lại tiền bị lừa trên mạng, những người này yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tiền, cách thức bị lừa… và cam kết sẽ thu hồi lại số tiền trên. Nạn nhân chỉ phải nộp 1 khoản phí.
Thế nhưng thực tế, nạn nhân sẽ lại tiếp tục bị cuốn vào cuộc chơi của những kẻ lừa đảo. Chúng đưa ra đủ các loại tiền như phí làm thủ tục, tiền xác minh tài khoản, tiền tín nhiệm tài khoản… yêu cầu nạn nhân phải nộp thì mới nhận lại được số tiền “bị treo trên hệ thống” của lần lừa đảo trước đó.
Như chị T.K. (SN 1989, TP.HCM) bị lừa hơn 700 triệu đồng vì tham gia trò chơi nhận quà tri ân của một thương hiệu thời trang. Sau đó, chị lướt Facebook và bắt gặp quảng cáo của công ty Luật Mai Sơn, cam kết lấy lại tiền bị treo trên các nền tảng. Ngay lập tức chị liên hệ và được một người xưng danh luật sư đứng ra tư vấn.
Rất nhanh chóng, chị T.K. bị sập bẫy lừa đảo trên mạng lần 2, mất gần 120 triệu đồng.
Đầu tư quảng cáo trên Facebook nhiều hơn chính chủ
Luật sư Vũ Hoàng Long (công ty Luật TNHH Mai Sơn) cho biết, từ tháng 8 tới nay anh liên tục nhận được phản hồi của khách hàng về việc có đối tượng lợi dụng địa chỉ, tên công ty của anh, thậm chí tạo website có tên miền tương tự rồi chạy quảng cáo trên Facebook để tiếp cận các khách hàng có nhu cầu pháp lý, nhất là những người vừa bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trên mạng.
“Có hôm 4h sáng, tôi nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ trong TP.HCM muốn xác minh các thông tin về công ty tôi. Rồi cô ấy khóc ngất khi biết chính xác đã bị kẻ mạo danh tôi lừa lấy hơn 100 triệu đồng. Cô ấy là nạn nhân bị lừa 700 triệu đồng, rồi lại bị luật sư giả mạo lừa tiếp. Có nhiều người sau khi trót dại cung cấp thông tin cá nhân cho chúng mong lấy lại tiền treo còn bị chúng dùng thông tin đó uy hiếp, tống tiền”, luật sư Long nói.
Đồng nghiệp nghi ngờ nhau vì những kẻ mạo danh
Công ty Luật TNHH Trí Minh cũng là nạn nhân của trò lừa đảo trên mạng. Các đối tượng mạo danh còn khiến “chính chủ” bị các đồng nghiệp nghi ngờ.
“Trên các trang Facebook giả mạo chúng tôi, chúng dùng hình ảnh các luật sư nổi tiếng của các văn phòng luật sư khác rồi chạy quảng cáo cam kết thu hồi vốn, thu hồi tiền bị treo… Nhiều người mới đầu tưởng chúng tôi lợi dụng thương hiệu của người khác để phục vụ mục đích cá nhân. Thậm chí đồng nghiệp còn thuê người tới để thăm dò xem thực tế chúng tôi có làm việc này không”, luật sư Nguyễn Minh Anh - Giám đốc công ty Luật TNHH Trí Minh chia sẻ với VietNamNet.
Hàng ngày, luật sư Minh Anh phải giao thêm việc cho 2 nhân viên. Công việc của họ là trực điện thoại hoặc tiếp khách tới phản ánh việc bị các đối tượng mạo danh công ty lừa. “Có người bị lừa tiền mất 2,4 tỷ đồng, rồi mất thêm 400 triệu phí cho luật sư giả mạo để lấy lại tiền. Chúng tôi giải thích cho họ hiểu công ty không thực hiện các dịch vụ thu hồi tiền treo, khuyên nạn nhân làm đơn tố giác qua cơ quan công an”.
“Chúng tôi phải treo biển ngay tại văn phòng, ghi rõ dịch vụ này chúng tôi không làm, chúng tôi không chạy quảng cáo trên các nền tảng xã hội về dịch vụ này. Chúng tôi cũng đã làm đơn gửi cơ quan điều tra và liên hệ với Facebook để ngắt những trang mạo danh chạy quảng cáo. Rất mất thời gian nhưng chúng tôi phải hành động", luật sư Minh Anh nói.
Trước tình trạng tài khoản giả mạo luật sư xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội, đại diện công ty Luật TNHH Trí Minh và công ty Luật TNHH Mai Sơn cũng như nhiều công ty luật, luật sư đã gửi công văn lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết vấn nạn này. Đồng thời, trên các trang Facebook, website chính thức, các công ty cũng đăng tải thông tin cảnh báo người dân tránh mắc phải bẫy lừa đảo.
Cảnh giác trước những thông tin giả mạo
Trước hành vi của các đối tượng mạo danh luật sư, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã có công văn đề nghị Công an TP Hà Nội xem xét và xử lý.
Để tránh bị các đối tượng giả mạo luật sư lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư Lê Hồng Hiển chia sẻ với VietNamNet một số kinh nghiệm để nhận diện "luật sư thật".
"Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin như địa chỉ văn phòng luật sư, Facebook cá nhân, website, thuộc đoàn luật sư tỉnh, thành nào. Ví dụ, nếu là luật sư thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thì có thể vào website: luatsuhanoi.vn để kiểm tra thông tin về luật sư đó. Đặc biệt, nếu bạn xác định sử dụng dịch vụ luật sư thì tốt nhất nên đến trực tiếp trụ sở nơi làm việc của luật sư đó", luật sư Hiển chia sẻ.
Trên thực tế, đối với các vụ án lừa đảo trên không gian mạng, rất khó để điều tra, phát hiện vì tính ẩn danh cao. Mọi thông tin của chúng đều là giả, là ảo. Nick ảo, sim rác và số tài khoản mà chúng cung cấp để các nạn nhân chuyển tiền vào rồi chiếm đoạt cũng là các tài khoản chúng mua của người khác. Do đó, cần hết sức thận trọng trước những cam kết, hứa hẹn sẽ lấy lại được tiền bị lừa đảo trên mạng, tránh lại bị lừa tiền thêm lần nữa.
Ảnh: NVCC