Bánh bột lọc
Nhắc đến đặc sản Quảng Bình không thể không kể đến bánh bột lọc (hay còn gọi là bánh lọc). Món này thoạt nhìn rất giống bánh bột lọc của người Huế song cách chế biến có chút khác biệt như được làm từ bột sắn, bọc với nhân tôm, thịt xay, nấm, măng…
Tới Quảng Bình, du khách có thể thưởng thức bánh bột lọc trần hoặc bánh bột lọc được gói trong lá chuối và hấp chín, có mùi thơm hấp dẫn. Giá của món bánh này khá rẻ, chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/chiếc.
Bánh bột lọc Quảng Bình ngon nhất khi thưởng thức nóng, dậy mùi thơm của lá chuối, đậm đà vị tôm với vị chua của măng rừng,… (Ảnh: Nhi Hoàng).
Món bánh này hiện cũng được vận chuyển tới nhiều tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu thưởng thức đặc sản vùng miền của thực khách thập phương. Nếu có dịp ghé Quảng Bình, đến TP. Đồng Hới, du khách có thể tìm và thưởng thức bánh bột lọc ở nhiều địa chỉ nổi tiếng như quán mệ Xuân ở đường Lê Thành Đồng, quán Sơn Lý ở số 115 Lý Thường Kiệt, quán dì Thái số 13 Đồng Hải,…
Cháo canh
Cháo canh (hay còn có tên gọi khác là bánh canh) là một trong những món ăn quen thuộc, gắn bó với biết bao thế hệ người dân Quảng Bình.
Mỗi tô cháo canh gồm các nguyên liệu như sợi mì/gạo, thịt nạc và cá lóc, đặc biệt ăn kèm với ram (nem, chả giò). Ngoài ra, phần nước dùng được ninh từ xương ống, có vị ngọt thanh, đậm đà cũng là yếu tố giúp món ăn thêm hút khách.
Cháo canh Quảng Bình được làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng đòi hỏi quá trình chế biến kỳ công, tạo hương vị thơm ngon, hấp dẫn thực khách (Ảnh: Quảng Bình ơi).
Tùy khẩu vị và sở thích, ở một số nơi, người ta còn biến tấu món cháo canh với các nguyên liệu khác nhau như kết hợp với lòng, gan, dồi lợn hay với thịt cua,… và vẫn đảm bảo đậm đà hương vị của món ngon truyền thống.
Bánh khoái
Bên cạnh bánh bột lọc, cháo canh thì bánh khoái cũng là đặc sản dân dãn được nhiều thực khách yêu thích khi du lịch Quảng Bình. Bánh khoái ở đây cơ bản khá giống bánh xèo ở miền Nam, có chút giống bánh gối ở ngoài Bắc với kích thước gần bằng bàn tay, vỏ giòn nhưng cách chế biến cầu kỳ hơn.
Bột làm bánh phải chọn loại gạo ngon, xay nhuyễn, thêm nước khuấy đều thành hỗn hợp sền sệt. Người ta có thể cho thêm một ít bột bắp hoặc trứng, bột nghệ để bánh có độ giòn, thơm, màu sắc bắt mắt.
Phần nhân bánh gồm thịt heo xay nhuyễn ướp với các loại gia vị, tôm nõn và giá đỗ. Quan trọng nhất là nước chấm đặc trưng, hài hòa từ nhiều nguyên liệu như thịt xay, cà chua, dứa, lạc khoai,…
Khoai deo
Khoai deo (khá giống sâm đất) là một món ăn vô cùng bổ dưỡng, được chế biến trực tiếp từ loại khoai lang đỏ khá nổi tiếng ở Quảng Bình.
Để làm món này, người ta phải tỉ mỉ chọn khoai, đem luộc chín rồi cắt lát và phơi nắng trong khoảng 9-12 ngày cho đến khi miếng khoai săn lại và chuyển hẳn sang màu cánh gián.. Lát khoai xắt ra phải được phơi cao ráo trên nền cát, phía dưới lót bằng một lớp cây rười (một loài cây mọc trên vùng cát) thì mới không bị dính vào giá đỡ.
Khoai deo không chỉ có hương vị lạ miệng, hấp dẫn mà còn có thể bảo quản lâu (Ảnh: Lan Anh).
Ở Quảng Bình, khoai deo cũng là một trong những đặc sản dân dã thường được du khách tìm mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Du khách có thể tìm và mua khoai deo tại các chợ như chợ Đồng Hới, chợ Nam Lý.. hay tại các cửa hàng đặc sản Quảng Bình,…
Sò huyết sông Roòn
Sông Roòn thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình nhờ sở hữu địa thế núi sông đan xen, là nơi giao thoa gặp gỡ giữa 2 dòng nước mặn và ngọt nên có nguồn hải sản phong phú, trong đó nổi tiếng nhất là sò huyết.
Sò huyết của vùng này được người dân xem như “báu vật”, quý không kém gì sá sùng sông Gianh hay sâm bố chính. Nó là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng như sò huyết hấp, nướng, tái chanh,…
Sò huyết sau khi đánh bắt xong được ngâm với nước gạo hay nước muối pha loãng có chút ớt trong nhiều giờ để chúng nhả hết bùn đất, cát bên trong ra rồi mới đem chế biến.
Các món ăn từ sò huyết chỉ cần cạy nhẹ lớp vỏ, chấm cùng tương ớt hay muối tiêu chanh đều ngon, hấp dẫn thực khách.