Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu là 1 trong những nền tảng số quốc gia đã được Ủy ban chuyển đổi số quốc gia giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng, phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng, tại kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022.
Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cung cấp khả năng tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn, chuẩn hóa dữ liệu, lưu trữ vào kho dữ liệu; phân tích, xử lý dữ liệu theo nhu cầu; trình diễn dữ liệu theo nhiều chiều từ đó làm công cụ giúp các cơ quan nhà nước sử dụng, khai thác dữ liệu một cách có hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu là một trong 35 nền tảng số quốc gia cần ưu tiên triển khai để chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. (Ảnh minh họa:digitmatter.com) |
Trong kế hoạch năm 2022 về triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu, Bộ TT&TT đã xác định rõ mục tiêu xây dựng nền tảng đáp ứng nhu cầu tổng hợp, phân tích dữ liệu của Bộ TT&TT, đồng thời có thể sử dụng phục vụ thí điểm cho các địa phương có nhu cầu.
Đối tượng sử dụng nền tảng là các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT và các Sở TT&TT. Các chỉ tiêu đánh giá nền tảng gồm: Số lượng các tiêu chí quản lý ngành TT&TT đều có dữ liệu trên nền tảng; Tỷ lệ các mục dữ liệu được kết nối trực tiếp từ các hệ thống thông tin.
Kết quả dự kiến đạt được vào tháng 6/2022 là hoàn thành xây dựng nền tảng phiên bản dùng thử; đồng thời cung cấp cho các đơn vị thuộc Bộ TT&TT và 5 Sở TT&TT có nhu cầu khai thác, sử dụng.
Theo kế hoạch, để thúc đẩy xây dựng và triển khai nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu, nhiều nội dung công việc đã và sẽ được Bộ TT&TT chủ trì thực hiện trong năm nay như: Xác định và đặc tả dữ liệu chủ yếu thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT; lựa chọn và làm việc với 5 địa phương để thống nhất bài toán, phạm vi triển khai; Thống nhất chương trình phối hợp xây dựng và triển khai nền tảng giữa Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT; Thống nhất chương trình phối hợp và triển khai với 5 địa phương được lựa chọn; Thiết kế, xây dựng kho dữ liệu và phương thức kết nối, trao đổi...
Cũng theo lộ trình, dự kiến khoảng giữa tháng 6, nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu sẽ được đưa vào phục vụ thí điểm 5 địa phương. Trước đó, trong tháng 5, sẽ xây dựng các công cụ quản trị, chia sẻ dữ liệu; công cụ phân tích và hiển thị dữ liệu; cũng như hoàn thành thiết kế nền tảng.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã nêu rõ quan điểm: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Bộ TT&TT cũng xây dựng và ban hành Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái nền tảng số Việt Nam đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số chuyển đổi số, được sử dụng sâu rộng để tạo hạ tầng mềm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số quốc gia và từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Trong định hướng công tác chuyển đổi số năm 2022, một trong 22 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thực hiện có nhiệm vụ: "Triển khai hoặc thí điểm triển khai Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính phủ số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dùng chung cấp bộ, ngành, địa phương".
Vân Anh
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành dựa trên dữ liệu số
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cung cấp, kết nối thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thể hiện sự đổi mới và dịch chuyển theo định hướng chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số.