Phạm Hồng Huế (24 tuổi, quê ở Hải Phòng) được cộng đồng mạng biết đến với nickname Mai Di Lao (Mai) bởi những hình ảnh chia sẻ về các chuyến khám phá địa điểm du lịch, trải nghiệm văn hóa ở "đất nước Triệu Voi". Cô gái trẻ sang Lào được hơn 3 tháng, hiện đang làm công việc sản xuất và bán thịt trâu, lạp xưởng cho khách du lịch ở Thủ đô Viêng Chăn.

"Trước đây mình có suy nghĩ, Lào không có điểm gì thu hút để du lịch. Nếu đi mình sẽ ưu tiên Thái Lan. Nhưng chỉ sau 3 tháng ở đây mình đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ. Đất nước Lào thật sự rất đẹp. Đẹp từ cảnh vật, thiên nhiên đến tính cách hiền hậu, nhiệt tình, mến khách của người dân", Mai tâm sự.

Cô gái gốc Hải Phòng say mê khám phá cảnh vật, thiên nhiên và văn hóa ở "đất nước Triệu Voi"

Hơn 3 tháng được trải nghiệm văn hóa, khám phá du lịch khiến cô gái trẻ thêm yêu đất nước này hơn. Dưới đây là một số chia sẻ của Mai về những điều thú vị ở Lào.

Ẩm thực đậm vị, cay thật cay, ngọt thật ngọt

Mai chia sẻ: “Vào các bữa chính trong ngày, người Lào không ăn cơm mà thay vào đó là xôi. Ở đây người ta chuộng các món nướng như: thịt nướng, cá nướng,...  Bên cạnh đó giá thành của các món ăn khá rẻ, với 50.000 kíp Lào (tương đương khoảng 70.000 đồng), du khách có thể ăn trong 1 ngày, trải nghiệm nhiều món ăn khác nhau. Ngay cả khi ăn tại các nhà hàng lớn giá cả cũng rất phải chăng. Các món ăn ở đây rất đậm vị, vị ngọt và vị cay rất rõ. Người Lào thường bảo rằng không cay không ngon.”

Mai gợi ý lạp xưởng, trâu khô, bò khô Lào là những đặc sản du khách nhất định phải thưởng thức và nên mua về làm quà  
Người Lào ăn xôi vào các bữa chính trong ngày

Ẩm thực Lào rất phong phú, đa dạng khiến Mai thích mê khi khám phá và thưởng thức

Tính cách hiền hậu, nhiệt tình, mến khách của người dân cũng là điều khiến Mai thêm yêu đất nước này hơn

Luang Prabang -  Vùng đất chữa lành tâm hồn

Trong mắt cô gái trẻ, Luang Prabang là vùng đất chữa lành tâm hồn, Mai chia sẻ: “Vốn là cố đô lại là địa điểm du lịch nổi tiếng, nơi này được rất nhiều du khách ghé thăm. Nhưng mình không hề cảm thấy ồn ào, vội vã, dường như khách du lịch hòa mình vào không khí của Luang Prabang, trở thành một phần của vùng đất dịu dàng và dễ thương này vậy."

Phố cổ Luang Prabang được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1995. Thành phố nhỏ này từng là nơi sinh sống của Hoàng gia Lào. Trong ảnh là Cung điện Hoàng gia Lào, nơi chứng minh cho sự giàu có xa xưa, giờ đây trở thành Viện bảo tàng. 
Khách du lịch đến Luang Prabang hòa mình vào cảnh vật, sự bình yên của vùng đất này
Đường chính khu phố cổ năm 2023 gợi cho cô gái trẻ cảm giác nhìn xưa thật xưa nhưng cũng gần thật gần. Đi bộ dọc theo con phố các bạn có thể ghé vài bất cứ hàng quán nào bán những đồ trang sức, đồ trang trí, may mặc thủ công đủ màu sắc, chủng loại sặc sỡ. Từ những tác phẩm nghệ thuật, bưu thiếp, những quầy pashima đẹp mắt và thậm chí cả đồ trang sức làm từ bom rơi xuống Lào những năm 1960 và 1970, có những tấm biển giải thích về lịch sử của chúng, khuyến khích khách hàng “mua lại những trái bom”.
Với những nếp nhà mang nét kiến trúc Lào cổ pha với kiến trúc Đông Dương nằm liền kề nhau khiến Luang Prabang hiện lên thật yên ả, cổ kính
Nét cổ kính, yên bình của Luang Prabang chinh phục du khách gần xa
Heuan Chan Heritage House là tên một ngôi nhà gỗ có từ thế kỉ 19 nằm ở vị trí trái tim của cố đô Luang Prabang. Đây là một dinh thự quý tộc đúng nghĩa thời tiền thuộc địa. Tại đây hiện còn lưu giữ đồ sinh hoạt, bố trí trong các gian phòng và cả trang phục. Ngôi nhà gỗ cùng khuôn viên nên thơ nằm trong một con ngõ nhỏ mà theo cảm nhận của Mai là "tình ơi là tình", có cả quán cafe nằm và ngồi tại vườn. Mai gợi ý: "Nếu tới đây tham quan, hãy thuê đồ Lào để mặc và chụp hình vì đẹp lắm. Dịch vụ combo mặc đồ, làm tóc, cài phụ kiện và đồ make up chỉ có giá 50.000-100.000 kip (khoảng 70.000 - 140.000 đồng)

Thủ đô Viêng Chăn, nơi ô tô nhiều hơn xe máy cùng văn hóa không bấm còi xe

Trong ấn tượng của Mai, Thủ đô Viêng Chăn không có quá nhiều tòa nhà cao tầng, buổi tối khi ngẩng đầu lên trời vẫn có thể ngắm được sao. Nhưng điều mà cô gái trẻ cảm thấy đặc biệt nhất là văn hóa không bấm còi xe. Mai kể ở Thủ đô của "đất nước Triệu Voi" ô tô nhiều hơn xe máy, vào thời điểm đi làm và tan tầm đường rất tắc, mọi người thì nhường nhau di chuyển.

Bên cạnh đó ẩm thực, văn hóa và cảnh đẹp của Viêng Chăn cũng điều mà cô gái trẻ cảm thấy thích thú và luôn mong muốn được khám phá.

Vườn Tượng Phật (hay còn gọi là Xieng Khuang Buddha Park) là một khu vườn điêu khắc nổi tiếng với hơn 200 pho tượng Phật và tượng Hindu, được đúc bằng xi măng với nhiều hình dáng và ý nghĩa khác nhau.
Vườn Tượng Phật do tu sĩ nổi tiếng Luang Pu Bunleua Sulilat, một tu sĩ nghiên cứu cả Phật giáo và Ấn Độ giáo quyên góp xây dựng vào năm 1958. Điều này giải thích lý do tại sao khu vườn này không chỉ đầy đủ các bức tượng Phật mà còn có các bức tượng của các vị thần Hindu cũng như ma quỷ và linh vật từ cả hai tín ngưỡng.
Giữa trung tâm Vườn tượng Phật nổi bật lên bức tượng Phật nằm khổng lồ, dài khoảng 40m, dáng vẻ thảnh thơi như tư thế Phật tổ nhập Niết Bàn. Gương mặt Đức Phật bình dị, thanh thoát, bao dung với vầng trán rộng, mắt khép nhẹ, môi mỉm cười.

Ở Lào đàn ông là người đi chợ và nấu ăn chính trong gia đình

Mai chia sẻ: "Lào là đất nước mẫu hệ nên khi kết hôn người chồng sẽ sang nhà người vợ ở. Thường đàn ông sẽ là người nấu ăn. Ở Lào cũng chuộng mua đồ ăn sẵn, các cửa hàng đồ ăn có mặt ở khắp nơi từ những con ngõ nhỏ đến trên đường lớn, bán đa dạng thực phẩm. Chủ yếu là đồ nướng, chiên rán và canh."

Một khu chợ ở Viêng Chăn, nơi Mai khám phá văn hóa ẩm thực Lào
Mai kể rằng: "Tại khu chợ mình thấy nam giới đi chợ nhiều lắm."
Ở Lào các món ăn được chế biến sẵn rất đa dạng

Ảnh: NVCC