Hơn 2.000 trẻ tử vong mỗi năm vì đuối nước
Thông tin trên được Tiến sĩ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cung cấp tại buổi tập huấn nâng cao ngiệp vụ báo chí truyền thông về phòng chống đuối nước cho trẻ em, tổ chức ngày 8/10.
Theo Tiến sĩ Vân, đuối nước dẫn tới hơn 2,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm 1-24 tuổi. Nam giới có nguy cơ bị đuối nước gấp 2 lần so với nữ giới. Trong đó, trên 90% các ca tử vong do đuối nước xảy ra ở các nước thu nhập trung bình và thấp.
Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ từ 1 đến 14 tuổi, khoảng hơn 2.000 ca/năm. Tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (chiếm 76,6%), tại gia đình 22,4% và tại trường học 1%.
Các nguyên nhân bao gồm trẻ em chơi ở gần nước, thiếu sự giám sát và kỹ năng bơi. Một số trường hợp sử dụng phương tiện di chuyển đường thủy không an toàn hoặc quá đông mà không có biện pháp bảo hộ như phao, áo phao. Các nguyên nhân khác như nạn nhân đi tắm ở sông ngòi, ao hồ; gặp thiên tai, thảm họa tự nhiên như lũ lụt.
5 giải pháp phòng chống đuối nước
Đuối nước gây tỷ lệ tử vong lớn cho trẻ nhưng Tiến sĩ Vân khẳng định tai nạn này không diễn ra một cách ngẫu nhiên và có thể dự báo, phòng tránh được.
Việc dạy trẻ em các kỹ năng bơi và an toàn trong môi trường nước là một trong các giải pháp can thiệp có chi phí thấp được WHO khuyến nghị và là một phần quan trọng của chương trình phòng chống đuối nước của Chính phủ.
Đặc biệt, vai trò của nhà trường, phụ huynh rất quan trọng trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ. Các địa phương cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhà trường, gia đình trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ trước các nguy cơ đuối nước đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia các lớp học bơi sinh tồn.
Tiến sĩ Vân đưa ra giải pháp cụ thể như sau:
1. Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non như bảo đảm an toàn và phòng tránh đuối nước tại gia đình, cộng đồng. Không bơi ở ao, hồ sông ngòi, biển cấm tắm, lập các điểm trông trẻ trong mùa lũ lụt, mùa nước lên.
2. Làm rào kiểm soát trẻ tiếp cận với nguồn nước như ở quanh ao, hồ sông ngòi và đậy nắp bể, chum, vại nước, đặt biển báo nơi nước sâu nguy hiểm.
3. Dạy bơi và kỹ năng an toàn cho trẻ, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên dậy bơi được cấp chứng chỉ của cơ quan quản lý, tổ chức các lớp dạy bơi tại cộng đồng, trường học cho trẻ bơi được 25m, nổi 90 giây. Các gia đình chủ động cho con đi học bơi.
4. Đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu như không nhảy xuống cứu trực tiếp nạn nhân nếu không có kỹ năng tốt, nên hô hoán, trấn an người đuối nước. Người cứu dùng sào, gậy, dây thừng, can nhựa để hỗ trợ. Người dân và trẻ lớn học cách sơ cấp cứu đuối nước.
5. Bảo đảm an toàn và phòng chống đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy: Mặc sẵn áo phao cho trẻ khi đi tàu thủy, đò, thuyền, phà, không nên mặc áo phao bơm hơi.
Khi tham gia giao thông đường thủy, không chen lấn, xô đẩy và đùa nghịch; cần ngồi trật tự, nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ những quy định an toàn trên tàu.
Tại Việt Nam đã có chương trình Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu giảm 10% số trẻ bị tử vong do đuối nước vào 2025 và giảm 20% vào 2030.
Theo Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm nâng cao ý thức của phụ huynh và học sinh trong việc phòng tránh tai nạn đuối nước, nhiều trường học có bể bơi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức dạy bơi. Trường không tổ chức được chính khóa sẽ tổ chức ngoại khóa. Các trường học tích cực tuyên truyền, vận động và phối hợp cha mẹ học sinh đăng ký cho con em học bơi ngoài nhà trường, giáo viên cũng theo dõi nắm tình hình về kết quả học bơi của học sinh. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho học sinh các kỹ năng nhận biết nguy cơ và kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước. |