Trẻ nên thường xuyên vận động, ít nhất 60 phút mỗi ngày. Một số môn thể thao như bơi ếch, bóng rổ, nhảy dây… đặc biệt hữu ích.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gene mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, vận động. Trong đó, yếu tố vận động thường xuyên quyết định 22% chiều cao của một người.
Trẻ tập thể dục không chỉ thúc đẩy thể lực tổng thể mà còn kích thích sự phát triển của xương. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ đưa ra khuyến nghị vận động với từng nhóm tuổi như sau:
Từ 3 đến 5 tuổi
- Nên hoạt động thể chất suốt cả ngày để phát triển và tăng trưởng.
- Người lớn khuyến khích trẻ em hoạt động khi vui chơi như nhảy múa hoặc đi xe ba bánh.
Từ 6 đến 17 tuổi
Nhóm này cần 60 phút trở lên hoạt động thể chất cường độ vừa phải đến mạnh mỗi ngày, bao gồm:
- Mỗi ngày, trẻ đi bộ, chạy hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào khiến tim đập nhanh hơn. Có các hoạt động mạnh ít nhất 3 ngày/tuần.
- Tăng cường cơ bắp bằng cách leo trèo hoặc chống đẩy, ít nhất 3 ngày/tuần.
- Thúc đẩy xương phát triển bằng hoạt động chạy nhảy, ít nhất 3 ngày/tuần.
Các hoạt động thể chất tại trường học có thể giúp trẻ em đạt được khuyến nghị 60 phút mỗi ngày.
Các môn thể thao giúp phát triển chiều cao
Bơi lội vừa là bài tập thể dục vừa là môn thể thao, có thể tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ. Trong đó, bơi ếch đòi hỏi nhiều nhất về mặt kéo giãn và được cho là thúc đẩy chiều cao. Khi thực hiện bơi ếch, nước cung cấp lực đẩy, giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Động tác duỗi tay và chân ra ngoài, tạo điều kiện cho kéo giãn cơ. Do đó, hormone tăng trưởng được giải phóng, kích thích sự hình thành mô sụn, hỗ trợ sự phát triển của xương.
Bóng rổ bao gồm nhiều động tác chạy và nhảy. Động tác nhảy lên cao kéo căng cơ thể, kích hoạt giải phóng hormone tăng trưởng. Hơn nữa, ném và dẫn bóng đòi hỏi phải kéo căng cánh tay và cột sống. Do đó, các cầu thủ bóng rổ có thể trải qua quá trình tăng trưởng chiều cao nhanh chóng.
Đạp xe bao gồm kéo giãn và vận động các cơ ở đầu gối, mắt cá chân, hông và khớp. Khi yên xe được nâng lên, trẻ duỗi chân ra để chạm tới bàn đạp, sẽ kéo giãn các cơ chân, đặc biệt là bắp chân và đùi. Ngoài ra, khi các cơ trải qua chuyển động khi đạp xe sẽ tạo ra lực tác động lên các xương, do đó kéo dài chân.
Nhảy dây khiến chân bạn nhanh chóng di chuyển qua lại, kéo giãn cơ thể, giúp dây chằng linh hoạt, kích thích sự phát triển của xương chân. Bạn nên thiết lập thói quen nhảy dây thường xuyên, đặt mục tiêu thực hiện mỗi ngày trong 6-7 tháng.
Bóng chuyền là môn thể thao có khả năng giúp bạn cao hơn do động tác bật nhảy thường xuyên và dứt khoát để đánh bóng qua lưới. Việc bật nhảy kích thích máu lưu thông, tăng nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho cơ thể. Hành động này cũng hữu ích cho xương, giúp cơ chắc khỏe, khuyến khích tuyến yên giải phóng nhiều hormone tăng trưởng hơn.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 đưa ra các chỉ tiêu về công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học như sau:
- 80% trường học bố trí ít nhất 1 khu vực bảo đảm các trang thiết bị, dụng cụ cần thiết dành cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao theo quy định.
- 85% trường học tổ chức hoạt động vận động thể lực phù hợp cho học sinh thông qua các hoạt động thể thao ngoại khóa, hình thức câu lạc bộ thể thao.
- 100% trường học tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại thể lực học sinh theo quy định (đối với các trường học phổ thông).
- 100% trường học định kỳ tổ chức thi đấu thể thao theo quy định của pháp luật về thể dục, thể thao.
- 100% trường học có đủ giáo viên giáo dục thể chất được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ (đối với các trường học phổ thông). Phấn đấu 80% giáo viên kiêm nhiệm dạy môn giáo dục thể chất trong các trường mầm non, tiểu học được tập huấn, bồi dưỡng đạt chuẩn trình độ theo quy định.
Các em học sinh trường THPT Cẩm Khê (Phú Thọ) tiếp nhận thông tin về sức khỏe sinh sản vị thành niên hiệu quả thông qua phương pháp tuyên truyền vui nhộn, cởi mở.