Không hợp thuốc vẫn cố dùng vì được bảo hiểm y tế chi trả
Ông N.V.T (71 tuổi, trú tại Thái Bình) bị tăng huyết áp và mỡ máu nhiều năm nay. Ông thường xuyên lên bệnh viện huyện khám và được cho đơn thuốc về sử dụng. Tuy nhiên, khi uống thuốc, ông bị ho. Hơn một năm nay, ông đã đi chụp X-quang phổi nhiều lần nhưng không phát hiện bất thường. Tại bệnh viện tuyến trung ương, bác sĩ phát hiện thủ phạm gây ho là thuốc tăng huyết áp ông được cấp.
Theo Giáo sư Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức và chống độc Việt Nam, khi khám bệnh, ông vẫn thường xuyên gặp các trường hợp như bệnh nhân T. Bởi thiếu thuốc, bác sĩ biết rõ thuốc có tác dụng phụ nhưng vẫn phải kê cho bệnh nhân. Nếu kê thuốc ngoài danh mục BHYT, bệnh nhân uống hợp nhưng phải trả tiền sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. Bác sĩ ngại “va vấp”, trong khi đó người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nên thuốc không hợp cũng đành cố uống.
Đối với bệnh nhân trên, ông phải mua một loại thuốc huyết áp khác không có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Với người không có lương hưu, đây là vấn đề lớn.
Không riêng bệnh tim mạch, nhiều bệnh nhân bỏ ngang điều trị vì thuốc đắt không có trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả. Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa thành phố Thủ Đức (TP.HCM), cho biết rất nhiều thuốc trị ung thư tiên tiến nhưng hiện nay không có trong danh mục thuốc BHYT hoặc không được đăng ký giấy phép lưu hành.
"Hiện BHYT chỉ chi trả các thuốc điều trị ung thư cổ điển, truyền thống như truyền hóa chất. Trong khi đó, các thuốc này mức độ hiệu quả hạn chế, nhiều tác dụng phụ. Các thuốc thế hệ mới như thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch được đánh giá có hiệu quả nhưng bệnh nhân không thể tiếp cận được vì quá đắt", bác sĩ Vũ cho biết.
Người bệnh ở Việt Nam khó tiếp cận thuốc mới
Kể từ 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể từ Thông tư 30/2018/TT-BYT. Lần cập nhật gần nhất ở Thông tư 20/2022/TT-BYT chỉ bổ sung danh mục thuốc điều trị Covid-19 không cập nhật thuốc mới.
Theo một chuyên gia về dược, hiện nay, ở Việt Nam, 95% giường bệnh thuộc các cơ sở công lập, người bệnh tiếp cận thuốc mới chủ yếu thông qua các cơ sở khám chữa bệnh công lập và được chi trả bởi bảo hiểm y tế.
Thực tế, thời gian thuốc mới có mặt ở Việt Nam là sau gần 4 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt trên toàn cầu, sau đó mất thêm 3-4 năm để được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT. Trong khi đó, thời gian trung bình kể từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành đến khi thuốc được cập nhật vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả ở Nhật là 3 tháng, Anh, Pháp - 15 tháng, Hàn Quốc - 18 tháng.
Theo đúng quy trình, các thuốc mới cần được đưa vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT và từ đó đưa vào các đợt đấu thầu của bệnh viện. Khi đó, người bệnh mới có cơ hội tiếp cận thông qua sử dụng thẻ BHYT.
Khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, người bệnh rất khó có thể tiếp cận được các loại thuốc mới này tại các cơ sở khám chữa bệnh công. Nếu muốn sử dụng các loại thuốc mới, họ phải tự chi trả. Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy như tạo áp lực tài chính, không đảm bảo chất lượng thuốc nếu phải mua qua các kênh ngoài cơ sở khám chữa bệnh và gây khó khăn trong việc theo dõi và phối hợp điều trị cho nhân viên y tế.
Nguồn dữ liệu IQVIA MIDAS data cập nhật cho thấy đến năm 2022, chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trong tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ 2012 tới cuối 2021), chỉ 11% thuốc biệt dược gốc được sử dụng trong tỷ trọng thuốc dùng tại các bệnh viện. Điều này hạn chế khả năng bệnh nhân được tiếp cận đến các giải pháp điều trị mới, tiên tiến thông qua kênh BHYT. Các thuốc này bao gồm thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư và một số thuốc tim mạch.
Theo bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, hiện nay, rất nhiều thuốc mới được đánh giá có hiệu quả về lâm sàng, tài chính. Tuy nhiên, danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả chậm cập nhật - “Vấn đề là chúng ta có đưa các thuốc mới vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả hay không? Nếu không đưa thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài. Nếu đưa vào thì nên đưa như thế nào?", vị chuyên gia này đặt vấn đề.
Để giải quyết bài toán cân đối quỹ BHYT khi đưa thuốc mới vào danh mục, bà Hương đề xuất dự án luật định mức trần thanh toán. Như vậy, người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi ở mức cơ bản. Nếu muốn hưởng, sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn, họ phải chi trả thêm.
Theo thống kê, mức chi trả bằng tiền túi cho dịch vụ y tế của Việt Nam chiếm 45% tổng chi tiêu y tế, so với chỉ số mục tiêu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị chỉ là 20%. Bên cạnh đó, dân số ngày càng già hóa khiến nhu cầu điều trị gia tăng, đòi hỏi việc sử dụng nguồn lực y tế hiệu quả.