Nhân buổi khai mạc triển lãm Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019) và Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 8, ngày 14/8, tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Daisuke Okabe cho hay, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam được các doanh nghiệp đặt biệt quan tâm. Trong số 1.800 doanh nghiệp thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam, có đến một nửa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Triển lãm VME 2019 |
Trong khi đó, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) chia sẻ, 70% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam được khảo sát có mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất và đánh giá thị trường Việt Nam hiệu quả, đầy hấp dẫn, chất lượng các sản phẩm ngày càng được cải thiện.
Riêng năm 2018, số dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án. Cùng với đó, việc thu mua phụ tùng, nguyên liệu của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng đáng kể từ năm 2010 trở lại đây.
Tuy nhiên, theo đại diện JETRO cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tạo điều kiện để các nhà sản xuất phụ tùng, linh kiện tiềm năng của Việt Nam gặp gỡ, trao đổi với các nhà chế tạo, lắp ráp của Nhật Bản.
Do đó, triển lãm được tổ chức với mục đích phát triển hơn nữa ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, thu mua các linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam,” ông Hironobu Kitagawa cho hay.
Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII vào đầu năm nay, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc; đào tạo nguồn nhân lực, lĩnh vực quản lý kinh doanh; thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất.
Thu Ngân