Chiều 17/3 tại Hội An đã diễn ra buổi họp báo công bố chính thức chương trình biểu diễn thực cảnh ‘Ký ức Hội An”. Nhiều kỷ lục tại show diễn này đã được ban tổ chức công bố.

 

Với thông điệp “Một ngày Hội An – Trăm năm hoài cổ”, chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” là con thuyền lớn đưa khán giả cập bế thương cảng Hội An thế kỷ 16- 17 để chứng kiến những thăng trầm của phố Hội trải suốt dòng thời gian 400 năm lịch sử, nơi giao thoa văn hoá, điểm nối nước Việt vào con đường tơ lụa trên biển huyền thoại. Các điển tích tình yêu, các câu chuyện thời cuộc được kể bởi nghệ thuật biểu diễn của gần 500 diễn viên. Tại đó, hơn 100 cô gái mặc áo dài bước đi trên sân khấu sẽ là ngôn ngữ kể chuyện chính, là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho dòng thời gian biến chuyển.

“Ký ức Hội An” quy tụ đội ngũ cố vấn bao gồm những chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lịch sử: Nhà Hội An học Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, phó Chủ tịch thường trực Hội nhạc sĩ Việt Nam phụ trách phần âm nhạc; Trang phục được họa sĩ- nhà nghiên cứu mỹ thuật Trịnh Quang Vũ cố vấn. 500 diễn viên, 100 cô gái mặc áo dài bước đi trên sân khấu, mỗi suất diễn sẽ phục vụ khoảng 3.300 khán giả là du khách trong và ngoài nước với thời lượng 1 giờ... là những con số kỷ lục cho show thực cảnh thứ 2 tại Việt Nam.

 

{keywords}
Không chỉ dừng lại ở không gian kiến trúc, các minishow tương tác trực tiếp với khán giả sẽ khắc sâu cảm xúc về một gian xưa cũ với các câu chuyện gắn với lịch sử Hội An như: Đám cưới công chúa Ngọc Hoa; Khu rừng hạnh phúc; Chuyện tình Bà chúa Tằm Tang; Trại Hò đánh hổ…

 

Theo ông Đào Quang Tùng – đại diện chủ đầu tư, “Ký ức Hội An” là sản phẩm sáng tạo xuất phát từ tình yêu tha thiết với lịch sử văn hoá Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung. Quá trình nghiên cứu 2 năm và đi suốt chiều dài đất nước, đi qua nhiều vùng đất mến yêu nhưng ông quyết định chọn Hội An để tái hiện Thương cảng Hội An xưa sầm uất. Ông kỳ vọng rất nhiều ở show diễn này sẽ khơi dậy niềm tự hào dân tộc thông qua nghệ thuật biểu diễn thực cảnh cũng như góp phần vào sứ mệnh quảng bá văn hoá lịch sử phố Hội đến du khách trong và ngoài nước. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khác nhiều bộ môn khác, lịch sử không chỉ có trong sách vở, trên học đường. Thêm vào đó, lâu nay chúng ta luôn bức xúc về việc giảng dạy lịch sử không gắn kết với đời sống. Vì thế cho nên “Ký ức Hội An” ít nhiều cũng mang tới cho thế hệ trẻ hiểu được một phần về những gì đã qua.

“Có sách vở nào, có lời giảng nào lại chân thực, dễ hình dung nhất về cách đây 4, 5 thế kỷ khi người Nhật, người Trung Quốc, ... lại kéo tới Hội An để làm ăn chung với nhau không? Chỉ cần xem một show diễn trong vòng 1 tiếng đồng hồ, dù ít nhưng chúng ta có thể hiểu được rằng, dân tộc ta đã có một thời tự hào như thế. “Ký ức Hội An” là bài học lịch sử mang tín giải trí, dễ hiểu dễ thấm, cách tiếp cận lịch sử dễ dàng, không khô cứng”, nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Khi được hỏi, một chương trình với khoảng 1 tiếng đồng hồ như vậy có truyền tải được hết những giá trị lịch sử có bề dày như Hội An hay lại theo kiểu điểm mốc sự kiện? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đây là cái khó của người làm chương trình. Với tư cách là cố vấn, ông Dương Trung Quốc cho biết, “Ký ức Hội An” không phải là chương trình dàn trải mà có điểm nhấn chẳng hạn như sẽ tái hiện đám của Huyền Trân Công chúa, tái hiện mối tình của Công chúa Ngọc Hoa, chuyện tình Bà chúa Tằm Tang,...

{keywords}
 

"Ký ức Hội An" sẽ biểu diễn khai mạc vào tối 18/3 trên một hòn đảo giữa sông Thu Bồn - Hội An.

Tình Lê