Chỉ trong vòng 10 năm, tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam 5-9 tuổi tăng gấp đôi từ 8,5% lên 19%, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Bộ Y tế. Một báo cáo khác của Viện Dinh dưỡng quốc gia tại 75 trường học ở 5 tỉnh, thành phố cũng ghi nhận tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh khu vực thành thị là 41,9%.
Đây là những con số đáng báo động về tình trạng thừa cân của trẻ em từ lứa tuổi mầm non đến trung học. Từ đó, các chuyên gia dinh dưỡng đã chỉ ra ba ngộ nhận tai hại nhất của phụ huynh về tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em.
Con mập mạp sẽ khỏe mạnh, ít đau ốm
Thừa cân, béo phì là một quá trình diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều tháng thậm chí hàng năm và tác động xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, cơ thể sẽ cố gắng điều chỉnh, thích nghi nên tác hại của bệnh khó nhìn thấy ở giai đoạn thanh thiếu nhi.
Mặc dù vậy, theo TS.BS. Lưu Thị Mỹ Thục, trưởng khoa Dinh dưỡng - Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bệnh tật sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn ở trẻ thừa cân, béo phì, so với trẻ em có cân nặng bình thường. Nếu trẻ béo phì bị tiêu chảy, viêm phổi hay bệnh lý về nhiễm trùng, bệnh dễ diễn tiến nặng hơn, trẻ hồi phục chậm hơn, cần thời gian điều trị lâu hơn, tốn kém hơn.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội nhi khoa Việt Nam, chia sẻ thêm, trẻ em thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ béo phì cao hơn khi trưởng thành. Béo phì trong giai đoạn trưởng thành có thể dẫn đến các bệnh về rối loạn chuyển hóa, mạn tính không lây như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, rối loạn cơ xương…
“Về lâu dài, các di chứng của béo phì có nguy cơ làm giảm tuổi thọ của trẻ khi trưởng thành”, BS. Khánh lo ngại.
Con thừa cân thì phát triển chiều cao tốt hơn
BS. Thục khẳng định, quan niệm “trẻ con cứ béo sẽ cao” hay “để trẻ thừa cân, khi dậy thì tăng chiều cao” của người lớn là hoàn toàn sai lầm, cần thay đổi. Không phải tất cả các trẻ to béo khi dậy sẽ cao lớn. Thậm chí, béo phì có thể kéo giảm quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Một tác hại điển hình thường dễ bị phụ huynh bỏ qua, đó là thiếu canxi. Thiếu canxi sẽ gây đau chân, nhức xương, làm chậm tăng trưởng chiều cao. Bé gái thừa cân có nguy cơ dậy thì sớm.
Ngoài ra, thừa cân kéo dài sẽ gây ra sự thụ động trong sinh hoạt, học tập, vận động, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Theo BS. Thục, cả bé trai và bé gái từ 8 tuổi trở lên đã bắt đầu nhận thức về hình thể. Trẻ thừa cân, béo phì dễ tự ti, mặc cảm khi so sánh hình thể với bạn đồng trang lứa. Nếu không may bị trêu chọc, từ cả bạn bè và người lớn, trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần.
Con không ăn thức ăn nhanh thì sẽ không thừa cân
Thức ăn nhanh qua chiên rán, nhiều dầu mỡ như xúc xích, gà rán, khoai tây chiên… và nước ngọt công nghiệp là đồ ăn ưa thích của nhiều trẻ em, nhất là trẻ thừa cân. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều tác nhân gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Nhiều trẻ ăn ít, hoặc không sử dụng thức ăn nhanh vẫn có thể béo phì.
“Trẻ ăn và nạp nhiều hơn năng lượng hơn mức cần thiết mới là mấu chốt của tình trạng này”, BS. Thục khẳng định.
BS. Thục phân tích, chế độ dinh dưỡng thiếu đa dạng, như ít rau xanh, trái cây, ít chất xơ, vitamin và khoáng chất nhưng nhiều thịt, chất béo, chất đạm, tinh bột… cùng sự thúc ép trẻ ăn nhiều hơn so với mong muốn và nhu cầu thực sẽ gây ra dư thừa năng lượng. Cộng với việc thiếu vận động trong thời gian dài, năng lượng không được tiêu hao sẽ tích tụ thành mỡ, khiến trẻ tăng cân, béo phì.
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên sớm thay đổi quan điểm và nhận thức về cân nặng của trẻ. Tuyệt đối không chủ quan khiến tình trạng thừa cân tiến triển thành bệnh. Cha mẹ cần có biện pháp dự phòng béo phì ngay từ những năm đầu đời, giúp trẻ phát triển khoẻ mạnh, toàn diện hơn.
Tấn Tài