Khi thông tin có tới 573 loại sữa giả đã tuồn ra thị trường khiến nhiều người bất an, nhiều ý kiến chỉ rõ lỗ hổng trong quản lý cho phép công ty tự công bố sản phẩm nhưng khâu hậu kiểm không kiểm soát được.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc quản lý thực phẩm hầu hết đã được phân cấp về địa phương. Đa số thực phẩm hiện được phép tự công bố, chỉ có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn cần đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước. Theo quy định, các sản phẩm như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi sẽ nộp hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm tại địa phương.
Trong hồ sơ đăng ký bản công bố, cần có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố…
Lời khai chấn động: "Gần như không kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất"
Là một trong số các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đường dây sữa giả, tại cơ quan Công an, Hồ Sỹ Ý (37 tuổi), cổ đông góp vốn tại Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất hàng trăm loại sữa giả, khai rằng "tất cả hàm lượng trên thông tin dinh dưỡng chúng tôi không kiểm tra nên dẫn tới sai sót như thế".
Còn Đặng Trung Kiên (37 tuổi), cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood khai nhận "khi triển khai đăng ký hồ sơ bên chi cục cũng có hướng dẫn việc kiểm nghiệm", tuy nhiên chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh. "Thực tế, việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất gần như không được thực hiện", Kiên khai.
Cho phép tự công bố và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, theo Bộ Y tế là tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp công bố, việc hậu kiểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ do sự phối hợp liên ngành, kiểm tra theo kế hoạch, định kỳ hay đột xuất. Tuy nhiên, sau khi đường dây sản xuất 573 sản phẩm sữa giả được phanh phui đã cho thấy việc cho phép tự công bố sản phẩm nhưng khâu hậu kiểm gần như không ai làm đã trở thành lỗ hổng quản lý, để hàng trăm loại sữa giả "ung dung" ra thị trường trong nhiều năm.
Không phải "thích kiểm tra lúc nào thì kiểm tra"
Theo Bộ Y tế, việc quản lý chất lượng thực phẩm thời gian qua chỉ tập trung kiểm soát chỉ tiêu an toàn (chỉ tiêu vi sinh và kim loại nặng) từ tiền kiểm đến hậu kiểm và ngăn ngừa mối nguy (kiểm nghiệm ngăn ngừa hành vi đưa chất cấm sử dụng trong thực phẩm) tại khâu hậu kiểm.
Việc hậu kiểm cũng có quy định riêng, không phải “thích kiểm tra lúc nào thì kiểm tra" mà phải có kế hoạch. Hậu kiểm thường được thực hiện theo kế hoạch hàng năm; sẽ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng hoặc theo yêu cầu của công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, theo quyết định đột xuất của cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung kiểm tra, hậu kiểm gồm hồ sơ tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm,...
Một sản phẩm sữa sản xuất bởi Công ty Rance Pharma được cung ứng trong Bệnh viện 108. Ảnh: NVCC
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, theo quy định, cơ quan chức năng có thể kiểm nghiệm và định lượng thành phần trong sản phẩm mà nhà sản xuất đã công bố và các chỉ tiêu an toàn theo quy định của pháp luật hoặc tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
“Chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu nhà sản xuất đăng ký trên bao bì, nhãn mác và hồ sơ đăng ký. Cơ quan chức năng thường không kiểm nghiệm thành phần nhà sản xuất không công bố, ghi nhãn, trừ khi tìm các chất độc, chất cấm khi xảy ra vụ việc nghi ngờ liên quan sản phẩm. Kể cả kiểm tra đột xuất cũng phải có căn cứ mới ra quyết định thành lập đoàn, không phải cứ thích kiểm tra là được", vị này nói.
Theo quy định, mỗi năm, cơ quan chức năng chỉ được kiểm tra theo kế hoạch không quá 1 lần với cùng một nội dung/cơ sở, doanh nghiệp, để tránh trồng chéo giữa các đơn vị chức năng trên địa bàn.
Một lãnh đạo Chi cục ATVSTP ở địa phương khác nhìn nhận: Việc kiểm tra theo kế hoạch phải thông báo trước nên dễ ảnh hưởng đến kết quả. Vì được thông báo trước, nếu cơ sở, doanh nghiệp có vi phạm chắc chắn sẽ tìm cách che giấu, khi đoàn kiểm tra đến khó nắm bắt được tình hình thực tế.
Theo quy định của Luật ATTP về chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm, nếu cơ quan lấy mẫu kiểm nghiệm mà không phát hiện vi phạm thì bên kiểm tra phải trả phí, ngược lại có vi phạm thì cá nhân/doanh nghiệp phải hoàn trả phí kiểm nghiệm cho bên kiểm tra. Trong khi đó, chi phí kiểm nghiệm sữa khá đắt đỏ.
Bên cạnh đó, sự biến động của các cơ sở, doanh nghiệp gây khó khăn cho kế hoạch kiểm tra. Nhiều cơ sở khi xây dựng kế hoạch thì còn hoạt động, nhưng khi thông báo kiểm tra thì đã dừng hoặc đang tạm dừng hoạt động.
Hậu kiểm như "thả gà ra đuổi"
Một lãnh đạo Chi cục ATVSTP khu vực phía Bắc chia sẻ, nhân lực để đi kiểm tra, hậu kiểm là vấn đề rất khó khăn, chỉ đáp ứng được việc "kiểm tra theo xác suất, tỷ lệ nhất định, không thể cam kết kiểm tra, hậu kiểm 100% cơ sở, sản phẩm".
“Điều đáng lưu ý nữa là trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp tục kiểm tra, hậu kiểm, nhưng nhiều địa phương cũng không kiểm tra được hết các nội dung, đầu mục. Trình độ kiểm tra chuyên ngành ATTP của cán bộ địa phương (cấp huyện, xã) còn khiêm tốn, có nơi còn không lấy mẫu”, vị này cho biết.
Theo vị này, dù đã phân cấp, phân quyền nhưng địa phương cũng chỉ thực hiện trong khả năng cho phép. Phòng Y tế cấp quận, huyện, trước đây có những nơi chỉ có 3 nhân lực, quá ít ỏi nhưng đảm đương tất cả các mảng khác, ngoài liên quan ATTP còn có dược, mỹ phẩm, khám chữa bệnh…
“Thời gian này, vụ việc về sữa giả rất nóng, nhiều người quan tâm, nhưng nếu yêu cầu phải đi kiểm tra, hậu kiểm 100% sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất sữa trên địa bàn cũng là điều bất khả thi, chỉ có thể tăng cường kiểm tra”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Công nhân đóng hộp thành phẩm sữa giả tại cơ sở sản xuất, chuẩn bị bán ra thị trường. Ảnh: CAND
Ông Vũ Đức Toàn, Trưởng phòng Thanh tra - Nghiệp vụ (Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Hòa Bình), nơi có hơn 300 hồ sơ (trong số 573 sản phẩm sữa giả) đăng ký công bố sản phẩm của 4 công ty trong đường dây sữa giả, cho biết không chỉ sản phẩm của 4 công ty này mà nhiều công ty khác đã công bố hồ sơ tại cơ quan này “chúng tôi đều không kiểm soát được”.
Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Bùi Thu Hằng, không phải chỉ 4 công ty này, tất cả công ty khác tự công bố, chi cục tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm, "việc hậu kiểm thật sự là ‘thả gà ra đuổi’, gặp rất nhiều khó khăn”.
Tuy nhiên, qua sự việc, theo bà Hằng, bản thân địa phương cũng cần nâng cao trình độ đội ngũ giải quyết thủ tục hành chính, ví dụ cần phát hiện dấu hiệu bất thường như khi thấy nộp nhiều hồ sơ công bố, cần có báo cáo để tăng cường kiểm tra giám sát.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cách quản lý hậu kiểm từ vụ sữa giả như “thả gà ra đuổi”, phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức, ý thức kinh doanh. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật và sản xuất hàng hóa kém chất lượng, chỉ khi hàng hóa đã lưu hành và gây hại cho người tiêu dùng thì cơ quan chức năng mới phát hiện và xử lý.
Theo Luật sư Cường, sữa bột thuộc nhóm thực phẩm có nguy cơ trung bình đến cao sẽ được ưu tiên hơn trong kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm. Việc kiểm tra có thể bao gồm: Kiểm tra hồ sơ công bố, kiểm tra việc ghi nhãn, lấy mẫu kiểm nghiệm hay kiểm tra điều kiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển.
Tuy nhiên, điều khó khăn là hiện chưa có quy định cụ thể về việc bắt buộc lấy mẫu kiểm nghiệm, chủ thể lấy mẫu kiểm nghiệm và thời gian kiểm nghiệm đối với sản phẩm sau khi đã đưa ra thị trường.
“Điều này dẫn đến tình trạng trong kế hoạch kiểm tra định kỳ hằng năm của các đơn vị có thể chỉ kiểm tra về mặt hình thức thủ tục hành chính mà không kiểm tra kỹ về chất lượng hàng hóa trên cơ sở lấy mẫu để kiểm nghiệm”, ông Cường nói và cho rằng, đó là lý do khiến cho các đối tượng đã bán ra thị trường nhiều năm 573 loại sữa giả thì cơ quan chức năng mới phát hiện.
Sữa Hofumil Gold Plus do Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma sản xuất được cung ứng trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Bệnh viện yêu cầu dừng việc tư vấn cho bệnh nhân sử dụng và thu hồi sản phẩm này.
Trong gần 600 loại sữa giả liên quan đường dây vừa bị Bộ Công an triệt phá, có 71 hồ sơ được công bố tại Hà Nội (chiếm 12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng.