Sáng 30/12, TAND TP.HCM tiếp tục tuyên án phần dân sự trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và các đồng phạm thực hiện.
Đối với đề nghị của 58 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã thoả thuận ký kết với các bị cáo, HĐXX nhận thấy, nguồn gốc tài sản, các quyền sử dụng đất trên đều có nguồn gốc từ tiền chiếm đoạt của các bị hại.
Tuy nhiên, tại thời điểm thỏa thuận, ký kết hợp đồng, các thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, thỏa thuận chuyển nhượng là tự nguyện ngay tình, đã thanh toán từ 50-100%. Vì vậy, căn cứ quy định tại khoản 2, điều 133, Bộ luật Dân sự năm 2015, HĐXX công nhận thoả thuận chuyển nhượng nói trên, trả lại đất cho những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
HĐXX yêu cầu, trong số 58 trường hợp này nếu ai chưa thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng thì có nghĩa vụ thanh toán nốt phần còn lại của hợp đồng vào tài khoản cơ quan thi hành án.
Sau khi thanh toán xong, cơ quan thi hành án có nghĩa vụ giải tỏa kê biên và hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với các thửa đất này để họ thực hiện đăng bộ sang tên và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.
HĐXX cũng chấp nhận yêu cầu xin lại đất của các chủ đất tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Bởi theo HĐXX, giao dịch giữa bị cáo Bùi Minh Đức và bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc với chủ đất tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ mới đặt tiền cọc để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng, hứa chuyển nhượng.
Vì vậy, HĐXX quyết định huỷ bỏ hợp đồng đặt cọc nhưng những người này có nghĩa vụ nộp lại tiền cọc cho cơ quan thi hành án.
Đối với yêu cầu của bị hại đòi Nguyễn Thái Luyện bồi thường số tiền mua đất, lợi ích nhận được từ hợp đồng quyền chọn và lãi suất trên số tiền đã nộp.
HĐXX nhận thấy, ngoài quảng cáo gian dối, Luyện còn lập ra hợp đồng quyền chọn với các sự lựa chọn như cho thuê lại đất; mua lại chênh lệch 30%, 35% sau 12 tháng hoặc thanh toán 30% hợp đồng và trả góp 3 triệu đồng/tháng chọn giữ đất... Các hợp đồng quyền chọn không phải là giao dịch thông thường mà là thủ đoạn gian dối để bị hại tin tưởng, nộp tiền.
Do đó, số tiền bị hại bị chiếm đoạt là số tiền thực tế nộp tại Công ty Alibaba sau khi khấu trừ các lợi ích từ hợp đồng quyền chọn mà bị hại đã được nhận.
Vì vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu bồi thường lãi suất, lợi nhuận từ hợp đồng quyền chọn.
Tuy nhiên, HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai liên đới bồi thường thiệt hại cho các bị hại.
Đồng thời, HĐXX đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Bởi, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, đất trồng lúa chỉ được chuyển nhượng giữa hộ gia đình, cá nhân trong một xã cụ thể. Luật cấm không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, các ngày 25/12/2018 và 18/1/2019 Phó Chủ tịch UBND phường An Bình, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai và Phó Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại xác nhận Trịnh Minh Pháp (cựu Giám đốc Công ty CP địa ốc đầu tư và phát triển 108) đang trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất đất nông nghiệp. Trong khi đó, Pháp làm tại công ty Alibaba từ năm 2017 tới khi bị bắt.
Từ xác nhận này, Pháp đã đứng tên nhận chuyển nhượng nhiều thửa đất lúa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau đó ủy quyền cho Công ty Alibaba lập nhiều dự án khống bán cho người dân gây thiệt hại đặc biệt lớn.
Tương tự, cũng bằng hình thức này, Nguyễn Thái Lực và Nguyễn Thái Lĩnh (hai em trai Luyện) cũng đứng tên chuyển nhượng nhiều thửa đất lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Gia Lai.