Viễn thông giúp thay đổi nền kinh tế Việt Nam

Tại sự kiện Tech Summit 2020 do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức sáng 16/7, ông Denis Brunetti - Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - khẳng định công nghệ thông tin, viễn thông góp phần lớn trong việc thay đổi nền kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Không chỉ người dân đô thị mà rất nhiều người ở vùng nông thôn đều được kết nối với thiết bị di động, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và giúp cuộc sống người dân tốt hơn, thúc đẩy nền kinh tế.

{keywords}
Ông Denis Brunetti trình bày tham luận khai mạc Tech Summit 2020 của Forbes Việt Nam. Ảnh: Hải Đăng

Từ sự ra đời của các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel, mọi người dân đều có thể kết nối Internet giá rẻ. Các công ty xây dựng nội dung trên nền mạng viễn thông, nhiều ngành và dịch vụ mới ra đời, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Vào năm 1993 khi Ericsson mới vào Việt Nam, hơn một nửa dân số sống ở mức nghèo, GDP Việt Nam rất thấp. Tuy nhiên sau 30 năm, GDP Việt Nam hàng năm tăng trung bình 6%, tầng lớp trung lưu tăng mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thuộc hàng thấp trong khu vực.

Song song đó, ông Denis cho rằng Việt Nam thu hút vốn FDI nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Các tập đoàn lớn toàn cầu mới đây khi cân nhắc thay đổi chuỗi cung ứng, thay đổi địa điểm xây dựng nhà máy, đều nghĩ đến Việt Nam.

Chính trị ổn định kết hợp với chính sách thu hút đầu tư, bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài đã khiến Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư lý tưởng của nhiều tập đoàn đa quốc gia, người phụ trách Ericsson tại thị trường Việt Nam phát biểu.

5G là nền tảng cho chuyển đổi số

Có lợi thế nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên dồi dào, tuy nhiên ông Denis cho rằng trong thời kỳ mới, Việt Nam cần bớt phụ thuộc những yếu tố truyền thống này. 

“Khoa học, công nghệ, sáng tạo là 3 yếu tố then chốt giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tiếp theo”, đại diện Ericsson đề xuất, đồng thời cho rằng các bộ ngành của Việt Nam đang nhận thức được việc này và đi theo hướng đó.

Với định hướng khuyến khích đầu tư nước ngoài, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cộng đồng startup mạnh mẽ, ông Denis khẳng định Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế số 1 khu vực trong tương lai.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế vượt bậc, Việt Nam cần tiếp tục con đường chuyển đổi số mạnh mẽ. Trong đó, 5G là một tác nhân quan trọng giúp việc chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.

Trước đây, khi đầu tư vào một quốc gia, các tập đoàn lớn thường nhìn vào cơ sở hạ tầng gồm giao thông, đường sá, điện nước,… nhưng ngày nay, hạ tầng còn bao gồm các kết nối tốc độ cao, mạng viễn thông và di động.

Việt Nam là một trong số những quốc gia triển khai sớm 5G, do đó sẽ có được hạ tầng kết nối tốc độ cao, băng thông rộng, độ trễ thấp. Những yếu tố này giúp thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Với 5G, người dân có thể thu hoạch mùa màng bằng thiết bị không người lái, hệ thống y tế từ xa sớm thành hiện thực, các nhà máy sẽ có nhiều robot hơn, hiệu suất công việc được tăng lên. Thông qua hạ tầng mạng độ trễ siêu thấp, các công ty khởi nghiệp sẽ có nhiều không gian sáng tạo hơn, xây dựng được nhiều ứng dụng và dịch vụ mới mẻ, tạo ra nhiều người dùng hơn.

Với nền tảng hạ tầng mạng tốc độ cao, ai cũng có thể làm việc từ xa, và ở Việt Nam hay bất kỳ đâu cũng đều có cơ hội tạo ra những Amazon mới, Facbook mới,…

“Chuyển đổi số là con đường duy nhất. Nếu mình không làm thì doanh nghiệp khác sẽ làm, quốc gia khác sẽ làm. Mình buộc phải làm nhanh hơn và tốt hơn”, ông Denis Brunetti nhấn mạnh.

Hải Đăng

Thiết bị 5G của Viettel sẽ đạt tốc độ đến 1 Gbps

Thiết bị 5G của Viettel sẽ đạt tốc độ đến 1 Gbps

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho hay, các thiết bị 5G mà Viettel đang thử nghiệm đã đạt tốc độ 500 Mbps và cuối năm nay sẽ đạt đến 1 Gbps.