Theo thông tin từ Bệnh viên K, hàng nghìn bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi mỗi năm. Tuy nhiên, có đến 70-80% số bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán không có chỉ định điều trị triệt căn. Điều này gây nên áp lực, gánh nặng về bệnh tật và chi phí cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hà Thanh, Phó trưởng khoa Nội Lồng ngực, Bệnh viện K, cho biết tại Việt Nam, năm 2020, tỷ lệ ca mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14,4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào bình thường ở phổi biến đổi thành tế bào bất thường và không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Ung thư phổi được chia ra thành hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ (khoảng 80%) và ung thư phổi tế bào nhỏ (khoảng 20 %), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển di căn nhanh hơn.
Bác sĩ Thanh cho biết các dấu hiệu của ung thư phổi thường không đặc hiệu, khó phát hiện và dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác nên người bệnh đã bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị triệt căn. Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không có triệu chứng.
Ở giai đoạn muộn hơn, người bệnh xuất hiện 6 dấu hiệu điển hình sau: Ho khan, ho máu, hay ho có đờm; đau ngực; khó thở; khàn tiếng; đau đầu (khi di căn não) hoặc phù mặt, cổ và tay (khi tĩnh mạch lớn ở ngực bị chèn ép); một số trường hợp đau ở tay, vai, hoặc cổ, sụp mí mắt, nhìn mờ, nửa mặt bị đỏ, yếu hoặc liệt tay.
Để phòng ung thư phổi, bác sĩ Thanh khuyến cáo cách tốt nhất là không hút thuốc lá. Bởi người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn rất nhiều (khoàng 20 lần) so với người không hút thuốc lá.