Mệt mỏi, đầu óc khó tập trung
Tìm tới Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc Phòng), chị Trần Thị Khanh (40 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết mình thường xuyên mệt mỏi, làm việc không hiệu quả. Nhiều lúc, chị Khanh cảm nhận mình không thể suy nghĩ được. Là người làm đồ họa, chị cần tập trung sáng tạo nhưng nhiều lúc ở trạng thái “sương mù não”.
Người phụ nữ này còn thường xuyên thấy mệt mỏi, đau nhức khắp người, tâm trạng bức bối, cáu gắt. Chị Khanh đã đi kiểm tra sức khỏe, kết luận không có bất thường. Chị còn lo lắng và nghi ngờ có bệnh ác tính nên đã tầm soát nhiều bệnh ung thư. Mỗi ngày, chị Khanh cảm giác mình vật vờ như cái bóng. Bác sĩ chỉ định điều trị oxy cao áp giúp bệnh nhân cân bằng lại sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết trường hợp chị Khanh là điển hình của thiếu máu não. Đây là bệnh lý hay gặp của dân văn phòng, nguyên nhân do áp lực công việc, ngồi lâu sai tư thế...
Theo bác sĩ Hoàng, các yếu tố gây thiếu máu não như thiếu sắt, chảy máu mạn tính do giun móc, loét dạ dày tá tràng, rong kinh, cường kinh, thalassemia, bị các bệnh mạn tính, dùng thuốc kéo dài.
Những người trên 40 tuổi bị xơ vữa mạch máu, thoái hóa cột sống cổ, xơ hóa và viêm các cơ, dây chằng vùng cổ, gây chèn ép động mạch cảnh/đốt sống. Một số trường hợp rối loạn nội tiết, tiền mãn kinh, căng thẳng, mất ngủ, ăn kém từ đó rối loạn thần kinh thực vật, rối loạn lo âu hoặc trầm cảm mức độ nhẹ.
Khi não thiếu máu, cơ thể sẽ bù trừ bằng nhiều cách, giảm lượng máu tới các nơi ít cần thiết hơn như đầu ngón tay ngón chân (gây lạnh đầu chi), các cơ quan khác, thay đổi việc co bóp, đàn hồi của mạch máu. Quá trình này diễn ra trong một thời gian dài và chúng ta thường chưa cảm nhận được tình trạng thiếu máu não.
6 dấu hiệu
Thiếu máu não mạn tính gây ra các triệu chứng khác nhau và ảnh hưởng tới toàn cơ thể, nếu bạn lắng nghe các thay đổi sẽ nhận biết mình có bị hay không:
1. Đầu: Cảm giác nặng đầu, không thông thoáng, đầu ong ong. Bạn có thể bị đau cả đầu hoặc nửa đầu từ nhẹ đến dữ dội, dùng các thuốc giảm đau thông thường nhanh bị nhờn.
2. Tai, mắt: Người bệnh nhanh mỏi, mờ mắt, nhức 2 hốc mắt. Ù 2 tai từ nhẹ đến nặng, nếu nghỉ ngơi thì có thể hết ù.
3. Thần kinh: Khi làm việc, bạn cảm thấy khả năng làm việc trí óc giảm nghiêm trọng, không tập trung được lâu, trí nhớ giảm, mất sự hứng thú với công việc, hờ hững với các thú vui thường ngày. Người bệnh ngủ kém, khó vào giấc, dễ tỉnh và khó ngủ lại trong đêm, chập chờn, hay mơ, sáng dậy uể oải, trong ngày thiếu tỉnh táo.
4. Tâm lý: Dễ xúc động, dễ cáu gắt vô cớ.
5. Tiêu hóa: Một số trường hợp có cảm giác chán ăn, không thấy ngon miệng.
6. Xương khớp: Những người bị thiếu máu não khi thời tiết thay đổi sẽ hay đau cổ đau lưng, nhức xương khớp, họ được coi như chuyên gia dự báo thời tiết.
Còn trường hợp thiếu máu não cấp tính, người bệnh sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn như rối loạn tiền đình do máu cấp cho tiền đình giảm đột ngột. Cơn thiếu máu não thoáng qua do co thắt hoặc cục máu đông nhỏ gây tắc một nhánh động mạch trong não và hết tắc ngay.
Thiếu máu não cấp tính còn gây điếc hoặc giảm thị lực đột ngột, đột quỵ não do nhồi máu. Các trường hợp thiếu máu não cấp tính, thường hay gặp ở người thừa cân, ít vận động, tiểu đường, tăng mỡ máu, các bệnh mạn tính khác.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, nhân viên văn phòng ngừa thiếu máu não bằng cách tăng cường vận động, có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường ăn cá, rau xanh và các loại quả có màu sắc tươi, đậm. Bổ sung các thực phẩm tốt cho não, tăng cường lưu thông máu.
Tích cực giao tiếp, hạn chế mạng xã hội và tivi, có giấc ngủ tốt, kiểm soát chặt chẽ bệnh nền như huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Để có giấc ngủ tốt, bác sĩ Hoàng cho rằng mỗi người nên tạo cho mình thói quen vệ sinh giấc ngủ như tạo không gian phòng ngủ thoáng mát, ánh sáng vừa đủ, âm nhạc phù hợp, tránh vận động quá mạnh hoặc xem những nội dung gây xúc động trước khi ngủ, nên vận động nhẹ nhàng, ăn nhẹ, ngâm chân hoặc tắm nước ấm trước giờ lên giường.