Ba loại đang sử dụng
Không quân Mỹ hiện có 3 loại máy bay ném bom: máy bay B-52H, máy bay B-1B và máy bay ném bom tàng hình B-2.
Máy bay B-52
Bay thử lần đầu vào tháng 4/1952, tổng cộng chế tạo được 744 chiếc. Máy bay dài 48m, trọng lượng cất cánh 244.000 kg, trọng lượng tải đạn có hiệu quả hơn 35.000 kg, có khả năng mang theo một số vũ khí mà bất cứ máy bay tác chiến nào đều có thể sử dụng, tốc độ cao nhất gần bằng tốc độ siêu âm, là máy bay ném bom lớn nhất hiện nay của không quân Mỹ.
Máy bay Lancer B-1B
B-1B được nghiên cứu và chế tạo cuối thập kỷ 1970 trên cơ sở máy bay B-1A, lượng tải đạn lên đến 37.000 kg. Năm 1986, B-1B bắt đầu được bàn giao cho không quân Mỹ, tổng số 92 chiếc Tháng 7/2001, Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị giảm số lượng B-1B xuống còn 60 chiếc, song bị Thượng viện Mỹ phản đối, do vậy hiện vẫn giữ 83 chiếc.
Máy bay tàng hình Spirit B-2A
Được đưa vào sử dụng tháng 12/1993, B-2A là máy bay ném bom tiên tiến nhất thế giới, cũng là máy bay ném bom tàng hình lớn nhất và đắt nhất thế giới (2 tỷ USD).
Theo không quân Mỹ, hai chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2A sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác có khả năng đạt được khả năng của 75 máy bay chiến đấu thông thường. B-2A có khả năng thực hiện nhiệm vụ tác chiến ở mọi độ cao (cao nhất là 11.524 m), hành trình bay 11.112 km (khi tiếp dầu trên không đạt 18.520 km), có khả năng bay đến bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.
Tuy nhiên, các thiết bị tàng hình phải đặt trong các khoang chuyên dụng có yêu cầu khắc nghiệt về mặt kĩ thuật. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, máy bay phải quay trở về căn cứ để bảo dưỡng và kiểm tra tính năng tàng hình, chi phí khá tốn kém.
Ba loại mới
Theo kế hoạch, tối thiểu 170 chiếc B-52H, B-1B và B-2 sẽ được sử dụng đến năm 2037, riêng máy bay B-52H có khả năng được sử dụng đến năm 2045. Để đáp ứng nhu cầu tác chiến giai đoạn sau đó, không quân Mỹ đã đề ra kế hoạch phát triển 3 loại máy bay ném bom mới sau.
Máy bay ném bom hạng nhẹ (có người thao tác)
Yêu cầu đề ra đối với loại máy bay này là phải có ưu thế hỗn hợp, một máy bay chiến đấu chiến thuật đồng thời có chức năng của máy bay ném bom có hành trình trung và dài, khả năng tải đạn lớn; sử dụng kỹ thuật tàng hình hiện đại và có khả năng tác chiến hiệu quả.
Một trong những hướng đi là nghiên cứu cải tiến để máy bay chiến đấu tàng hình F/A-22 chủ lực thế hệ mới có thêm khả năng ném bom và để máy bay FB-22 có khả năng đạt được tốc độ siêu âm như máy bay F/A-22, nhưng thân máy bay FB-22 dài hơn F/A-22, hành trình đạt 2.575 km.
Máy bay ném bom B-3 thế hệ mới
Máy bay ném bom B-3 thế hệ mới là một trong những khái niệm kỹ thuật do Uỷ ban cố vấn khoa học không quân Mỹ (SAB) đệ trình kế hoạch. Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định giao công việc nghiên cứu chế tạo cho Công ty phân tích khoa học (TASC) thực hiện, kinh phí nghiên cứu, phát triển hơn 35 tỷ USD.
Những yêu cầu đề ra cho loại máy bay ném bom tốc độ siêu âm 2M này là: hành trình không bổ sung nhiên liệu 6.019 km; trọng lượng 145.000 - 175.000 kg; lượng tải đạn từ 7.500 đến 10.000 kg; cất cánh từ những căn cứ nằm sâu trong lãnh thổ Mỹ và Anh, có thể tiến công vào bất cứ mục tiêu nào trên thế giới.
Mỗi lần huy động từ 80 chiếc đến 105 chiếc, có khả năng tiến công bằng cách phóng thả những vũ khí dẫn đường chính xác (khoảng 560 tấn/ngày). Khả năng của loại máy bay ném bom này tương đương với tổng lượng ném bom toàn bộ trong chiến dịch Bão táp sa mạc.
Phương tiện bay tiến công có tốc độ siêu âm (FSA)
Theo dự án thiết kế, FSA dùng để thực hiện nhiệm vụ tiến công toàn cầu, tốc độ từ 2,7 đến 14M, có khả năng tiến công vào bất kỳ mục tiêu nào trên toàn cầu trong 3 giờ đồng hồ hoặc ngắn hơn. Từ đại lục Mỹ, nó cất cánh thẳng đến bất kì chiến trường nào mà không cần bổ sung nhiên liệu, không cần phải sử dụng căn cứ không quân của nước khác. Nhấn mạnh yêu cầu tốc độ và tính năng tàng hình, phương tiện bay tiến công này có thể độc lập tác chiến dưới sự bảo vệ của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay mà không cần đến những nhân viên thao tác.
Tuy nhiên, khi đạt được tốc độ siêu âm, những vũ khí bay tiến công có khả năng không đạt được hành trình và mức độ tàng hình như ý tưởng thiết kế ban đầu.
Nguyên Phong