{keywords}
Hội thảo bàn về các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới diễn ra sáng ngày 14/12. 

Kết quả của Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cho thấy mức độ phổ biến của bạo lực không giảm so với nghiên cứu đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.

Theo nghiên cứu này, 62,9% phụ nữ Việt Nam từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế, hay chịu hành vi kiểm soát của chồng trong đời. Bạo lực là vấn đề còn ẩn khuất trong xã hội Việt Nam khi có 90,4% nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, và một nửa trong số đó chưa từng kể với ai về tình trạng bị bạo lực của mình. Thiệt hại kinh tế do bạo lực đối với phụ nữ gây ra chiếm tới 1,81% GDP của cả nước.

Từ thực trạng này, chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và hướng tới mục tiêu đến năm 2025: ít nhất 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan cung cấp dịch vụ. Đồng thời, tất cả những người bị bạo lực có nhu cầu đều được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

Sáng ngày 14/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc - UNFPA đã tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, gợi mở về các giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin; chia sẻ những khó khăn, thách thức và giải pháp trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý người bị bạo lực; kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành…

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. 

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nếu thiếu đi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương tới các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ và mỗi người dân trong cộng đồng. Việc thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tiếng nói, hành động cụ thể của mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ giúp những người bị bạo lực không cảm thấy đơn độc, yếu thế hay bị kỳ thị. Người bị bạo lực cần phải được bảo vệ để sớm quay lại cuộc sống thường ngày, người gây bạo lực cần được xử lý một cách nghiêm minh”.

Tham gia đồng chủ trì tại hội thảo, bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, để triển khai Chương trình quốc gia một cách hiệu quả, UNFPA khuyến khích cần có nhiều sáng kiến đổi mới hơn nữa với sự tham gia của thế hệ trẻ nhằm hướng tới thay đổi các chuẩn mực văn hoá và xã hội về bạo lực đối với phụ nữ.

Ngoài ra, theo bà, mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh Dương cần được nhân rộng. UNFPA kêu gọi Chính phủ có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực khác nhau để tạo sự gắn kết vững chắc giữa các hoạt động can thiệp nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

Cũng tại hội thảo, Mạng lưới Đối tác hành động về Phòng ngừa và Ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được ra mắt. Đây là một giải pháp đổi mới nhằm củng cố sự phối hợp và hợp tác trong việc phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với bạo lực trên cơ sở giới.

Nguyễn Thảo

'Nghỉ lễ ở nhà và ngừng thói vũ phu'

'Nghỉ lễ ở nhà và ngừng thói vũ phu'

"Sau khi xảy ra xung đột thì tốt nhất nên nghỉ lễ ở nhà. Hai vợ chồng cùng nhìn nhận lại mình để khắc phục", một độc giả nhận xét.