Mặc dù 5G vẫn chưa trở thành xu hướng phổ biến nhưng nhiều quốc gia đã tính đến việc phát triển 6G. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi trong ngành công nghệ, việc phát triển cho tương lai luôn được các công ty hướng đến.
Dù rằng mọi thứ đến hiện nay mà chúng ta biết về 6G vẫn chỉ là lý thuyết nhưng chắc chắn nó sẽ là một phần mở rộng của mạng 5G hiện tại. 6G có thể mở rộng các công nghệ tiên tiến như AI, robot, tự động hóa...
Sự phát triển của mạng di động (từ 0G đến 6G)
Những tín hiệu truyền dẫn không dây đầu tiên trong lịch sử được chính thức xác nhận vào năm 1985. Một nhà phát minh người Ý, Guglielmo Marconi đã sử dụng sóng vô tuyến để truyền mã morse đi khoảng cách 3,4km. Tuy nhiên, mãi đến gần 1 thế kỷ sau, vào năm 1973, điện thoại di động không dây đầu tiên mới được thử nghiệm, được gọi là điện thoại di động 0G. Đây là một thời điểm vô cùng quan trọng với truyền dẫn không dây.
Ngay sau phát minh kể trên, các công ty viễn thông bắt đầu phát triển mạng di động '1G' thế hệ đầu tiên. Nó có băng thông 30kHz và tốc độ 2,4Kbps, chỉ cho phép thực hiện các cuộc gọi thoại. Mặc dù 1G có chất lượng truyền giọng nói khá kém và dung lượng hạn chế nhưng nó vẫn được sử dụng đến năm 1991.
Bỏ lại 1G, điện thoại di động 2G được tung ra thị trường vào những năm 1990, cho phép người dùng gửi SMS, email, thậm chí là vào internet ở tốc độ thấp. Nó chạy trên băng thông từ 30kHz đến 200kHz và tiếp tục tăng tốc độ lên 384Kbps.
Kể từ đây, những tiến bộ trong công nghệ không dây đã thành công và chúng ta chứng kiến một thế hệ mạng viễn thông mới sau mỗi thập kỷ. 3G được mở rộng dựa trên 2G, tốc độ nhanh hơn 40 lần, tạo điều kiện cho các cuộc gọi video và ứng dụng dựa trên internet. Sau đó 4G xuất hiện với tốc độ gấp từ 50 đến 500 lần 3G với độ trễ thấp hơn.
Bây giờ, con người đang triển khai 5G với tốc độ tối đa 20Gbps. Qualcomm tuyên bố 5G sẽ mang lại lợi ích cho việc tích hợp IoT, tự động hóa... Cuối cùng, 6G sẽ vượt trội hơn 5G và thậm chí có thể tạo nên những kỳ tích công nghệ không tưởng.
6G là gì?
6G sẽ nổi lên như là thế hệ truyền dẫn không dây thứ 6, kế nhiệm công nghệ 5G - thứ vẫn chưa được triển khai ở nhiều quốc gia. 6G sử dụng sóng tần số cực cao (THF), còn được gọi là sóng dưới milimet, để đạt được tốc độ nhanh hơn 100 lần so với 5G (sử dụng sóng milimet (mmWave)).
Khi thiết bị dùng 6G, độ trễ dự kiến sẽ nhỏ hơn 1 micro giây. Nói cách khác, công nghệ truyền dẫn thế hệ thứ 6 sẽ ra đời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thế giới kỹ thuật số và thế giới thực.
Trong sự kiện 'Samsung Networks: Redefined', đại diện Samsung đã đề cập rằng họ đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lộ trình trải nghiệm siêu kết nối thông qua 6G, bằng cách đạt được tốc độ gấp 50 lần và độ trễ bằng 1/10 của 5G.
Cùng với tốc độ truy cập mạng tăng lên đến mức không tưởng, 6G được kỳ vọng sẽ có độ tin cậy cao và hỗ trợ xử lý dữ liệu theo thời gian thực một cách hiệu quả nhất. Nó sẽ là sản phẩm của những tiến bộ tích hợp trong truyền thông không dây và các công nghệ khác như cảm biến, hình ảnh, hiển thị và AI.
Thực tế mở rộng (XR) là thuật ngữ bao hàm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR). XR sẽ mở ra cánh cửa mới trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm giải trí, y học, khoa học, giáo dục và công nghiệp sản xuất.
Khái niệm này đã trở nên phổ biến khi 5G xuất hiện nhưng do những hạn chế về phần cứng nên 5G không thể hỗ trợ XR. 6G có thể lấp đầy những khoảng trống này và nhiều chuyên gia cho rằng XR có thể sẽ trở thành hiện thực trong tương lai.
6G phải vượt qua thách thức nào?
6G sẽ thay đổi cách chúng ta nhận thức thông tin, giao tiếp với con người và máy móc cũng như cách trải nghiệm cuộc sống. Để đạt được tất cả những điều này và hơn thế nữa, nó đòi hỏi những cải tiến to lớn về phần cứng và khả năng tính toán của điện thoại di động cũng như hiệu suất mạng mở rộng so với 5G.
Thách thức lớn nhất với 6G là chống lại sự hấp thụ của khí quyển và sự gãy đoạn đường đi nghiêm trọng của sóng terahertz. Các mạng 5G hiện tại cũng gặp phải vấn đề này khi người dùng báo cáo mất tín hiệu khi bị cây hoặc tòa nhà che khuất.
Sách trắng 6G của Samsung cũng đã đề cập đến một số công nghệ 'ứng cử viên' nhằm giải quyết vấn đề này. Một số công nghệ có thể nhắc tới như cấu trúc liên kết mạng kiểu mắt lưới, chia sẻ quang phổ, AI toàn diện...
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, các công nghệ kỹ thuật số, bao gồm cả 5G có thể làm giảm 15% lượng khí thải trên toàn thế giới. Với việc nâng cao hiệu quả và các tiêu chuẩn bền vững, 6G đặt mục tiêu cao hơn.
6G được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Khả năng siêu kết nối và khả năng tiếp cận thông tin mà 6G có sẽ giúp cải thiện tiêu chuẩn sống trên toàn cầu.
(Theo VnReview, Makeuseof)
Công nghệ 6G sẽ được thương mại hóa toàn cầu vào năm 2030
Mạng 6G sẽ hiện thực hóa việc tích hợp sâu rộng của thế giới vật lý thực và thế giới kỹ thuật số ảo, đồng thời xây dựng một thế giới mới của "kết nối thông minh mọi thứ và kỹ thuật số."