Trong năm 2021, cùng với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước, Bình Định đã hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để đẩy mạnh việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức cao, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 giai đoạn 2022 - 2027”.

Địa phương này nhấn mạnh: Nhận thức đúng đắn, đầy đủ về dịch vụ công trực tuyến là vấn đề mang tính then chốt, giúp định hướng hành vi, dần hình thành thói quen sử dụng. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần được tập trung thực hiện một cách thường xuyên, liên tục bởi một lực lượng xã hội đông đảo, có kiến thức, trình độ, năng lực và nhiệt huyết.

{keywords}
Một trong những chỉ tiêu được đề ra trong Đề án mới được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt là hằng năm có 40.000 đoàn viên, thanh niên mở tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Ảnh minh họa)

Mục tiêu Đề án đặt ra đến năm 2027 là dịch vụ công trực tuyến trở thành phương thức chủ yếu được tổ chức, doanh nghiệp, người dân tại Bình Định lựa chọn để thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt trên 50%; tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến trên tổng số giao dịch thanh toán đạt trên 30%; và 70% đoàn viên, thanh niên có tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Một trong những chỉ tiêu cụ thể hằng năm, theo Đề án, là: Có 25.000 lượt đoàn viên, thanh niên được thông tin, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; 100% tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh có hoạt động thông tin, tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến.

Bình quân mỗi năm có 40.000 đoàn viên, thanh niên mở tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có 55.000 người dân (ngoài độ tuổi thanh niên) mở tài khoản người dùng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua sự tuyên truyền, vận động của đoàn viên, thanh niên. Trong đó, số tài khoản có phát sinh giao dịch thực tế đạt tỷ lệ 40%. Đồng thời, 80% hồ sơ thủ tục hành chính do đoàn viên, thanh niên thực hiện được giao dịch bằng hình thức trực tuyến.

Với năm 2022, có ít nhất 30.000 hồ sơ thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 từ cấp xã đến cấp tỉnh do đoàn viên, thanh niên hỗ trợ, hướng dẫn việc thực hiện. Trong các năm tiếp theo, mỗi năm tăng ít nhất 15.000 hồ sơ.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh Bình Định đã xác định 4 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm, bao gồm: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính; Phát huy vai trò tiên phong của đoàn viên, thanh niên trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến;

Tổ chức các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Thường xuyên vận động, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp và người dân lựa chọn việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính.

Đồng thời, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Phát động các phong trào thi đua về thực hiện dịch vụ công trực tuyến...

Văn phòng UBND tỉnh Bình Định được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu việc ký kết Quy chế phối hợp triển khai thực hiện Đề án giữa UBND tỉnh với Ban chấp hành tỉnh đoàn.

Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác xây dựng, biên soạn tài liệu tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức liên quan đến dịch vụ công trực tuyến cho đối tượng là cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên các cấp tham gia lực lượng nòng cốt và các “Tổ, Đội thanh niên tình nguyện về dịch vụ công trực tuyến” và phối hợp triển khai kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng.

Vân Anh

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang cung cấp 3.200 dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp

Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang cung cấp 3.200 dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Cổng Dịch vụ công Quốc gia hiện đã cung cấp 3.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, với hơn 1,2 triệu tài khoản đăng ký và hơn 83 triệu bộ hồ sơ được đồng bộ trạng thái.