Bằng cách làm theo 8 điều sau đây, bạn sẽ tạm biệt với cảm giác hối tiếc sau khi mua hàng, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm được nhiều hơn.
Sự hối hận sau khi mua hàng là gì?
Tất cả chúng ta đều đã từng rất hào hứng mua sản phẩm nào đó và rồi cảm thấy hối tiếc sau khi đã sở hữu. “Mình lẽ ra không nên mua nó. Nó thực sự không đáng tiền. Mình đâu đủ khả năng để mua…”
Hối tiếc có thể là một cảm xúc khiến tâm trí bạn bị ăn mòn và tê liệt. Giống nhiều trạng thái tâm trí tiêu cực khác, nó tập trung sự chú ý của bạn vào quá khứ - thứ mà bạn không thể kiểm soát, khiến bạn cảm thấy bế tắc và mắc kẹt.
Tuy nhiên đừng lo lắng vì ai trong chúng ta cũng từng trải qua cảm giác như vậy. Bằng cách làm theo 8 điều sau đây, bạn sẽ tạm biệt với cảm giác hối tiếc sau khi mua hàng, chi tiêu hợp lý và tiết kiệm được nhiều hơn.
Chờ ít nhất 72 giờ trước khi mua hàng
Đây là một phương pháp rất hiệu quả. Việc bạn cần làm ở đây là cho bản thân thời gian để cân nhắc việc mua hàng. Nếu sau khoảng thời gian này, bạn vẫn muốn món hàng đó thì bạn sẽ hạn chế khả năng phải hối hận hơn sau khi mua hàng. Hãy cho bản thân một chút thời gian để suy nghĩ và bạn sẽ thấy sự khác biệt giữa việc đưa ra một quyết định sáng suốt và một quyết định vội vàng.
Bên cạnh đó, hãy hết sức cảnh giác với những công ty tạo ra cảm giác khan hiếm giả tạo. Khi bạn thấy những dòng quảng cáo như “nhanh lên - chỉ còn 3 món”, đa phần trường hợp này thường không xảy ra.
Quy đổi giá sản phẩm sang giờ làm việc
Một mẹo thú vị mà hiệu quả khác chính là hãy tính toán xem bạn sẽ phải làm việc bao nhiêu giờ để có thể trả được tiền cho sản phẩm đó. Chúng ta thường nhìn giá sản phẩm với con mắt khá trừu tượng. Khi đặt lên bàn cân, quy ra số giờ bạn phải làm việc để mua được sản phẩm đó, bạn sẽ có cái nhìn thực tế hơn.
Ví dụng 1 ngày công của bạn là 400 nghìn đồng thì 1 đôi giày chạy giá 1,2 triệu đồng sẽ tương đương 3 ngày công của bạn. Việc so sánh như vậy sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn.
Tránh các ứng dụng mua sắm và email của nhà bán lẻ
Người ta nói rằng, công nghệ có thể là một lời nguyền cũng có thể là một phước lành. Có rất nhiều ứng dụng mua sắm giúp bạn tiết kiệm hơn, mua được các sản phẩm với giá phải chăng hơn nhưng nó cũng khiến bạn dễ chi tiêu bốc đồng hơn nếu không biết kiểm soát bản thân. Nếu bạn thấy mình không cưỡng lại được cám dỗ từ những email quảng cáo hay các ứng dụng mua sắm, đã đến lúc bạn xóa những ứng dụng đó và hủy đăng ký khỏi danh sách email.
Không lưu thông tin thẻ tín dụng của bạn trên các trang trực tuyến
Một lời khuyên đơn giản nhưng hiệu quả giúp bạn hạn chế mua sắm những thứ khiến mình phải hối hận sau đó chính là không lưu lại thông tin thẻ tín dụng. Điều này buộc bạn phải từng bước nhập các thông tin mua hàng. Bạn cũng nên làm điều tương tự với việc lưu trữ các thông tin vận chuyển. Khi tự đặt ra những rào cản này, việc mua hàng của bạn sẽ chậm lại và bạn có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về việc mua hàng của mình. Việc mua sắm càng tiện lợi bao nhiêu, bạn càng dễ sa lầy vào việc bội chi bấy nhiêu.
Sử dụng tiền mặt để mua hàng, không phải quẹt thẻ tín dụng
Điều này là rất quan trọng. Việc sử dụng tiền mặt sẽ giúp bạn suy nghĩ kỹ hơn về việc mua hàng của mình, liệu nó có xứng đáng hay không và liệu bạn có thực sự đủ khả năng chi trả hay không.
Khi mua hàng bằng cách quẹt thẻ tín dụng, bạn sẽ khó kiểm soát những đồng tiền mình chi ra cũng như không cảm nhận được rõ nét về cảm giác tiền đi ra khỏi ví mình. Hãy tránh điều này bằng cách chỉ tiêu số tiền bạn có và đây là lý do ngân sách chỉ dùng tiền mặt có thể giúp bạn tiết kiệm tiền hiệu quả.
Xem nó có phù hợp với túi tiền của bạn không
Lập ngân sách có lẽ là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm nhằm cải thiện tình hình tài chính. Muốn cải thiện bất cứ điều gì, bước đầu tiên bạn cần làm là hiểu nó.
Hãy nắm bắt tình hình tài chính của bạn bằng cách viết ra các nguồn thu và nguồn chi của bạn. Bạn sẽ không thể có những quyết định chi tiêu hợp lý khi không biết mình đang có những gì và tiêu hết bao nhiêu. Đừng bao giờ mơ hồ về chính túi tiền của bạn.
Xem xét "lý do" mua hàng của bạn
Đây là về vấn đề nhu cầu hay mong muốn. Bạn có thực sự cần nó hay đó chỉ là sản phẩm giúp bạn cảm thấy khá hơn? Liệu việc mua hàng này có thực sự giúp ích cho bạn? Trả lời những câu hỏi này trước khi mua hàng có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn.
Kiểm tra chính sách hoàn trả
Một bước đơn giản nhưng hiệu quả khác mà bạn cần thực hiện chính là kiểm tra xem mặt hàng đó có thể dễ dàng trả lại trong trường hợp bạn thay đổi ý định hay không. Khi bạn biết mình có thể đổi lại sản phẩm khi không ưng ý sau mua, bạn sẽ giảm đi được những cảm giác tiêu cực có thể xuất hiện sau khi mua hàng.
Theo Phụ nữ Việt Nam