Pro Evolution Soccer (PES) đã từng có một quãng thời gian lừng lẫy trong ngành công nghiệp sản xuất game. Đó là thời điểm mà các hệ máy last-gen (PS2 & Xbox 360) còn “làm mưa làm gió”, thế nhưng mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi thế hệ PS3 tiếp nối PS2…Và cho tới nay, tính đến phiên bản cuối cùng là PES 2014 (trên PS3) vẫn là một thất bại nặng nề của hãng Konami dù đã được đầu tư rất công phu với công nghệ Fox Engine mạnh mẽ,…nhưng nó vẫn chẳng thế làm người hâm mộ cảm thấy hài lòng.
Phải khẳng định rằng, PES còn thiếu sót rất nhiều trong một thời kỳ mà FIFA (đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ) đang lên ngôi. Và nếu Konami muốn đưa PES trở lại thời kỳ hoàng kim mà nó đã từng được người chơi đôn lên, thì họ phải làm rất nhiều điều trong thời gian sắp tới.
8. Hệ thống tổ chức phòng thủ tự động:
Một điều tối quan trọng mà dường như Konami từ lâu đã bỏ ngỏ đó là hệ thống tổ chức phòng thủ tự động của các cầu thủ hậu vệ đang thi đấu trên sân. Tuy đã có nhiều chỉnh sửa do chính Konami đặt ra để nâng cấp và “vá” lại lỗi này, nhưng có vẻ như hãng này đang tự mình làm khó mình khi các hậu vệ vẫn đang như những con rối trên sân và chẳng có mấy giá trị gì trong đội bóng cả.
Các tiền đạo thoải mái di chuyển, tự do đánh đầu mà không gặp chút khó khăn nào với các hậu vệ được đảm nhận nhiệm vụ kèm người?! Bởi các hậu vệ dường như bất lực với việc áp sát và nhảy lên tranh chấp bóng bổng với tiền đạo đối phương. Và điều bực mình nhất là khi quả bóng đang ở trong vòng cấm địa, các hậu vệ lại đứng chờ bóng lăn về phía chân mình thay vì chủ động lao ra cản phá và kiểm soát nó. Chính vì thế, tạo điều kiện rất lớn để các cầu thủ đối phương lao lên giành bóng và ghi bàn rất dễ dàng.
Konami nên có những quyết định thay đổi hợp lý hơn bởi các cầu thủ phòng ngự phải là những người đón đầu và nắm bắt tâm lý đối phương tốt nhất để đưa ra những pha “bắt bài” nhằm giải tỏa sức ép cho thủ môn. Chứ nếu cứ đứng như “phỗng” trên sân thế này thì không biết người chơi sẽ phải chịu đựng sự bực mình đến bao giờ nữa.
7. Menu đẹp mắt, trực quan và sáng tạo hơn:
Konami không phải là một nhà phát triển nhỏ, họ là một trong số ít những “gã khổng lồ” của ngành công nghiệp sản xuất game Nhật Bản vẫn còn tồn tại được trong thời điểm mà có rất nhiều những đối thủ đáng gờm vây hãm xung quanh…Nhưng điều mà Konami từ trước tới nay vẫn không nhìn nhận đúng về đứa “con cưng” PES của mình là hệ thống Menu tổng.
PES 2015 đã chứng kiến một sự thay đổi nhẹ. Nhìn chung, giờ nhìn nó rất giống với những gì FIFA đã làm trước đó, Menu chính hoạt động như một hệ thống các miếng dính liên kết với nhau, cho phép người dùng truy cập nhanh những nội dung vừa dùng hoặc dùng nhiều nhất. Giờ đây, âm thanh đã được cải tiến, Menu là toàn bộ những khối ô vuông đẹp đẽ được nhà sản xuất nghiên cứu kỹ càng và đẹp mắt hơn hẳn 10 phiên bản PES trước.
Nhưng Menu có thực sự liên quan tới chất lượng của một trò chơi lấy những gì cầu thủ thể hiện trên sân cỏ làm nội dung chính? Bạn có thể chứng minh là nó không hề, nhưng hãy nhìn vào những gì mà Menu của FIFA đã làm được và so với PES, đó thực sự là đẳng cấp! Phong cách và tích trợ giúp cao của Menu đã được hoàn thiện với những khối vuông trong suốt…nhưng dường như PES vẫn đang mắc kẹt trong quá khứ bởi chưa có dấu hiệu sáng tạo mà đang “mượn” của FIFA rất nhiều.
6. Cầu thủ di chuyển thật hơn:
Hãy tưởng tượng một kịch bản thường thấy trong PES: một đường bóng dài được phất lên đúng vào khoảng trống trước mặt của Andy Carrol và hàng phòng ngự đang phải lao về cản phá. Có vẻ như hậu vệ đang có lợi thế hơn và ta buộc phải nhấn giữ R1 để Carrol tăng tốc…Nhưng rồi hậu vệ như bị trúng độc và bỗng dưng ì lại để Carrol thoải mái bứt tốc, cầm bóng và dễ dàng ghi bàn trong tư thế đối mặt với thủ môn?! Chắc chắn, nếu bạn là bên vừa nhận bàn thua thì sẽ không thể lí giải nổi tại sao mình lại phải chịu một bàn thua lãng nhách như vậy.
Điều này xảy ra khá thường xuyên trong PES, và đây được coi là một vấn đề khá nhức nhối đối với người chơi. Khiến tất cả cảm thấy không có bất cứ hậu vệ nào trong PES có thể kiềm tỏa được tiền đạo đối phương ghi bàn khi họ cứ như đang bay trên sân, còn họ lại đang bò lườn khổ sở vậy. Tự do di chuyển đã được nâng cấp rất nhiều trong vài năm trở lại đây, và đã đến lúc để Konami chú tâm hơn vào việc làm thế nào để cầu thủ trên sân di chuyển chân thật hơn.
5. Ăn mừng “chất” hơn:
Bạn ghi được một bàn thắng đẹp mắt với những đường chồng cánh và ban bật liên tục để rồi dứt điểm cháy lưới đối thủ…rồi bạn mong chờ một màn ăn mừng thật “dị” để hoàn tất một pha bóng đẹp như trong mơ. Nhưng tất nhiên điều đó chẳng bao giờ xảy ra trong PES cả đâu. Bởi Konami dường như quan niệm ăn mừng tức là cầu thủ chạy quanh sân như điên dại rồi giơ hai cánh tay lên trên trời và miệng mở rộng ngoác ra trong suốt một quãng thời gian dài?!
Konami hoàn toàn có thể làm những động tác ăn mừng cho các cầu thủ “mượt mà” hơn, đỡ cứng hơn so với bây giờ rất nhiều. Điều người chơi muốn là đam mê chơi bóng được thể hiện rõ qua từng pha bóng, từng màn thể hiện và những pha ăn mừng đậm chất nghệ sỹ và sáng tạo. Và nói rộng hơn, người chơi còn muốn thấy lễ ăn mừng thực sự khi đội bóng mà họ dẫn dắt vô địch một giải đấu nào đó, có các cổ động viên lao vào chúc mừng, có huấn luyện viên chạy quanh sân reo hò và pháo hoa nổ rộn vang…
4. Phát triển chế độ chơi My Club:
Một trong những mặt tích cực mà Konami làm được cho PES trong độ vài năm trở lại đây là chế độ My Club. My Club tập trung vào việc xây dựng một đội bóng hoàn chỉnh theo ý thích của người chơi dựa trên việc sử dụng tiền thưởng trong game hoặc tiền thật.
Nhưng có vẻ như My Club lại được Konami “mượn” ý tưởng từ Ultimate Team của FIFA. Dù có đôi chỗ khác biệt, nhưng nhìn chung My Club chẳng khác Ultimate Team là bao nhiêu cả. Do vậy, Konami nên nhìn nhận lại vấn đề và tinh chỉnh lại chế độ cực hay ho và có tiềm năng là My Club đi đôi chút để không phải chịu cái tiếng “ăn theo” Ultimate Team của FIFA nữa.
3. Cải thiện chất lượng khi chơi trực tuyến:
Trước đây, khi xét về những tựa game offline đối kháng, khó có tựa game nào lại chạy “mượt mà” và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với PES vì nhiều lý do thuyết phục khác nhau. Nhưng rồi đến thời kỳ mà toàn bộ trò chơi trên toàn thế giới đều được nhét thêm chế độ chơi trực tuyến vào, thì PES tỏ ra yếu thế hơn rất nhiều, bởi đơn giản là vì nó quá lag!
Các trận đấu online đầu tiên của PES là một mớ hỗn độn và chẳng hề có chút yếu tố chân thật nào cả. Đây đã là năm 2015, và mọi thứ liên quan đến Internet đều đã được tinh chỉnh, để khiến mọi thứ có thể trơn tru nhất có thể khi phụ thuộc vào nó. Vì thế, PES 2015 dù có được chơi trên Xbox One hay PS4 đã không còn mấy tình trạng lag, giật và ngắt kết nối nữa. Konami nên duy trì và tiếp tục nâng cấp hơn chế độ này trong tương lai.
2. “Đại tu” Master League:
Xây dựng một đội bóng và trở thành những nhà vô địch châu Âu, hay Nam Mĩ hoặc cũng có thể là châu Á…Đó là cái “chất” riêng của người chơi PES. Nhưng ở PES 2015 năm nay, tất cả từ nội dung, ý tưởng,…giải đấu giống hệt với tất cả những gì đã làm trong năm 2014.
Chưa hết, có khá thứ vô vị, nhạt nhẽo và thừa thãi mà Konami bắt người chơi phải làm trong Master League. Tạo ra một huấn luyện viên mất khá nhiều thời gian từ mái tóc, vóc dáng,…để được chứng kiến ông ta đứng chỉ đạo các cầu thủ trên đường biên khi đội bóng gặp khó khăn, nhưng rồi chẳng một lần nào thấy cận cảnh hình dáng ông ta ra sao?! Những cuộc họp báo giới thiệu các bản hợp đồng mới nhạt toẹt và cực kỳ vớ vẩn khi ai cũng giống ai…
Tóm lại, Masted League cần một cuộc “đại tu” toàn bộ. Giống với PES 2012, các mặt hàng mới được thêm vào để nâng cấp chất lượng cầu thủ, những đoạn cắt cảnh ngắn được thêm vào để miêu tả thái độ không hạnh phúc khi cầu thủ thi đấu không tốt hoặc bị chỉ trích từ ban huấn luyện…Tất cả đã biến mất và biến mọi thứ trong trò chơi trở nên vô hồn.
1. Bản quyền:
Konami khó khăn để có được bản quyền tất cả các giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, các câu lạc bộ và cầu thủ lớn trên toàn thế giới đến thế hay sao?! Khi mà họ phải “nhái” rất nhiều cờ hiệu câu lạc bộ, áo thi đấu, khuôn mặt và từng cái tên của cầu thủ. Thậm chí, các giải đấu hàng đầu thế giới cũng là một thứ xa xỉ đối với người chơi.
Thiếu khá nhiều các câu lạc bộ tại Premier League và những cái tên từ giải đấu Brazil và Argentina không làm người chơi cảm thấy hài lòng. Từ sân vận động, dụng cụ thi đấu chuyên dụng, nhà tài trợ chính thức cho các câu lạc bộ…đều bị PES bỏ quên và nó khiến cho tất cả như do Konami tự “chế” ra một thế giới bóng đá của riêng mình chứ không liên quan gì tới những gì đang có thực.
Nếu Konami nghiêm túc hơn về vấn đề bản quyền, chắc chắn PES sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng hơn với FIFA trong thời gian ngắn sắp tới chứ không còn phải chịu cảnh người chơi đang quay lưng lại với mình như hiện tại.
Bi Vi