Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý; vụ tập đoàn Thuận An đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Chiều 14/8, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
Thông báo kết quả phiên họp thứ 26, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Trong đó có: 2 Phó Thủ tướng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; 3 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 7 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 11 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng và tương đương; 18 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; 2 Chủ tịch HĐND tỉnh; 4 Phó Bí thư, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay, đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Trong đó, liên quan đến một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ đầu năm đến nay đã kỷ luật 44 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Riêng vụ án xảy ra tại Công ty AIC, đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 89 tổ chức Đảng và 126 đảng viên, trong đó có 25 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương, đơn vị đã xử lý kỷ luật 80 tổ chức Đảng, 190 đảng viên.
Vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị Đại Ninh (Lâm Đồng), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 tổ chức Đảng, 14 đảng viên, trong đó có 7 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An.
Ông Đông cho biết, riêng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và một số đơn vị, địa phương, đến nay đã khởi tố 23 bị can, trong đó có 6 cán bộ diện Trung ương quản lý gồm: 1 Bí thư, 1 nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 1 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; 2 Chủ tịch, 1 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Vụ án xảy ra tại tập đoàn Thuận An và một số đơn vị, tổ chức liên quan, đến nay đã khởi tố 8 bị can, trong đó có 2 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm 1 Bí thư Tỉnh ủy và 1 Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Theo ông Đông, Ban Chỉ đạo cũng nêu việc tiếp tục khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm.
Đang củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra
Trả lời báo chí liên quan đến vụ án tại 2 tập đoàn này, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, vụ án Thuận An và Phúc Sơn là hai vụ án đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo từ tháng 5.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng cao độ để đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc hai vụ án này.
Vụ án Thuận An được khởi tố ngày 11/4, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố 8 bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục làm rõ dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu triển khai các dự án của Tập đoàn Thuận An, đồng thời tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án, thu hồi tài sản cho Nhà nước và xét xử nghiêm minh.
Cho đến nay, trong quá trình điều tra, các bị can thừa nhận sai phạm, tự động nộp và vận động gia đình khắc phục thiệt hại vụ án. Hiện đã thu giữ 62 tỷ đồng và 42.000 USD có liên quan hành vi sai phạm.
Ông Tuyên khẳng định, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang tăng cường lực lượng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ để mở rộng điều tra vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước. Vụ án này Ban Chỉ đạo không xác định thời hạn hoàn thành nhưng tinh thần chung của cơ quan điều tra là làm càng sớm càng tốt.
Với vụ án Phúc Sơn, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, vụ án này được khởi tố ngày 26/2, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam 23 bị can để điều tra, làm rõ sai phạm. Đây là vụ án hết sức phức tạp liên quan nhiều địa phương.
Về thu hồi tài sản, ông Tuyên thông tin, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã thu giữ tổng cộng trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 cây vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại.
"Cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt và làm rõ sai phạm của các bị can, đối tượng có liên quan", người phát ngôn Bộ Công an nói.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hiện nay TAND Tối cao TPHCM chuẩn bị xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
"Tiếp tục giai đoạn 1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án, đến nay đã ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố 34 bị can trong các vụ án Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới... Như vậy, vụ án đã được mở rộng và giai đoạn 2 đã hoàn tất kết quả điều tra", Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên thông tin.
Bên cạnh đó, ông Tuyên cũng cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang điều tra theo luật với vụ án Đưa, nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác.
Đây là diễn biến tiếp theo khi mở rộng vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB. Vụ án này đã khởi tố điều tra 9 bị can.
Sáng 14/8/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Phiên họp thứ 26 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông thông tin nhiều con số đáng chú ý về việc xử lý kỷ luật cán bộ lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo cấp cao, nhất là trong các đại án AIC, Đại Ninh, Thuận An, Phúc Sơn...
Phó Ban Nội chính Trung ương cho biết, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, lần đầu tiên đã tuyên phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội Tham ô tài sản.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 18-20/8.