Chiều 28/8, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an xác nhận thông tin bị can Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC, là đối tượng liên quan đến sai phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã về nước đầu thú.

Hiện các đơn vị chức năng đang tiến hành các biện pháp điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Thu Phương và những người khác.

Các đối tượng Nguyễn Thị Thu Phương (trái) và Đỗ Văn Sơn liên quan vụ AIC đã ra đầu thú.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn của Bộ Công an cũng cho biết, đối tượng Đỗ Văn Sơn, nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) đã về nước đầu thú.

Cụ thể, qua công tác nghiệp vụ, công tác hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiếp nhận Đỗ Văn Sơn, sinh năm 1977, nguyên kế toán trưởng AIC về nước đầu thú để được xem xét hưởng khoan hồng.

"Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các thủ tục tố tụng và tích cực đấu tranh, khai thác đối tượng Đỗ Văn Sơn để làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án", người phát ngôn Bộ Công an cho biết.

Như vậy, trong số 8 bị can bị truy nã liên quan đến vụ AIC, đến nay đã có 2 đối tượng về nước đầu thú.

Về nước đầu thú là một lựa chọn để được xem xét hưởng khoan hồng cũng như thoát cảnh sống trốn tránh, lo sợ, bất an.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định "dù các bị can có trốn ra nước ngoài cũng không thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật".

Thực tế gần đây, đối với các vụ án đã khởi tố, điều tra, khi có đầy đủ cơ sở, chứng cứ nhưng đối tượng bỏ trốn, cơ quan chức năng đã vận dụng quy định của luật pháp để xử lý.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giao các cơ quan tiến hành tố tụng nghiên cứu quy định luật pháp để truy tố, xét xử bị cáo theo đúng quy định của pháp luật. Nếu trốn ra nước ngoài mà quy định có thể xử vắng mặt thì vẫn có thể xử vắng mặt.

Cụ thể, với 8 đối tượng liên quan đến Công ty AIC bị Bộ Công an phát lệnh truy nã, Tòa đã tuyên án vắng mặt những bị can: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) 30 năm tù; Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc AIC) 25 năm tù; Đỗ Văn Sơn (cựu Kế toán trưởng AIC) 6 năm tù; Nguyễn Thị Sen (cựu Giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế và môi trường) 30 tháng tù và Nguyễn Thị Tích (Tổng giám đốc Công ty MOPHA) 4 năm; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa) bị phạt 5 năm tù và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Nha khoa Việt Tiên) 4 năm tù.

Việc tuyên án nêu trên là tiền đề để phục vụ cho công tác truy bắt. Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đánh giá đây là một bước tiến trong xử lý những đối tượng bỏ trốn.

"Quy định của pháp luật Việt Nam cho phép làm việc đó. Đối với các trường hợp phạm tội có chứng cứ rõ, bỏ trốn thì có quyền xử, tuyên án. Đây là tiền đề để phục vụ cho truy bắt”, ông Nguyễn Văn Yên nói.

Điểm mới nêu trên là căn cứ pháp lý để đề nghị các quốc gia đã ký tương trợ pháp lý tạo điều kiện cho việc truy bắt và cũng tạo sức ép khiến các đối tượng ra đầu thú.

Việc đối tượng Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC – người liên quan đến sai phạm trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, đã về nước đầu thú là một minh chứng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị các bị can, bị án, đối tượng bỏ trốn khác trong các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC trực tiếp hoặc thông qua gia đình, người thân, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài… liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để đầu thú và hưởng khoan hồng của pháp luật.

Đã có nhiều trường hợp không thể trốn thoát và phải quay về, hoặc bị bắt về, đó là một thực tế.

Câu nói “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát” âu cũng là lời cảnh tỉnh, lời nhắc nhở cho những đối tượng đã trót “nhúng chàm” dù có “cao chạy xa bay” cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật.