8 họa sĩ tham gia triển lãm gồm: Đỗ Tuấn Thành, Nguyễn Viết Thắng, Phạm Hoàng Hà, Bùi Anh Hào, Đoàn Đức Hùng, Xuân Diệu, Phạm Anh Tuấn, Đặng Tiến.
Giám tuyển Vân Vi cho biết, khi dự định về một triển lãm của những họa sĩ Hải Phòng, chị đã cố gắng cảm nhận về một vùng địa lý qua nghệ thuật của họ - những người sinh ra, lớn lên, đang hoạt động sáng tác tại đây.
"Tác động về quang cảnh sống, văn hóa vùng miền ít nhiều ghi đè lên nghệ thuật của mỗi cá nhân những hình ảnh quen thuộc. Chúng tôi nhìn thấy điều này qua các triển lãm trước đây khi họ vẽ về phong cảnh hiện thực: bình yên, lãng mạn, lý tưởng hóa, đẹp và buồn. Tuy nhiên, khi một số tác giả nỗ lực đào sâu hơn biểu hiện cá nhân, nghệ thuật của họ trở nên phong phú, phản ảnh và làm mới tinh thần của nơi chốn", giám tuyển Vân Vi chia sẻ.
Trái ngược với vẻ ngoài khép kín, tranh của hoạ sĩ Đoàn Đức Hùng theo lối biểu hiện với các đường nét và mảng màu thể hiện xúc cảm mãnh liệt, phóng khoáng và thoải mái.
Bất kể ngồi ở đâu, hay gặp ai, trong đám đông hay đối diện, hoạ sĩ đều cầm bút lên ký họa. Anh chia sẻ, khi không biết làm gì sẽ vẽ. Anh tự nhận mình là người giao tiếp kém, không biết phải nói chuyện với người khác như thế nào, cũng không thể dùng lời rành mạch nói cho hết những gì mình suy nghĩ hay cảm nhận… nên anh giao lưu với người khác bằng cách vẽ.
Bởi thế mỗi người, mỗi lúc, mỗi trạng thái anh đều vẽ khác nhau và hiếm khi cạn vốn sáng tác bởi chất xúc tác để làm việc chính là lấy từ tư liệu của đời sống thật.
Với hoạ sĩ Xuân Diệu, lụa đang là cảm hứng trong các sáng tác của anh. Với tác phẩm Ca trù là bộ tranh lụa mà hoạ sĩ ấp ủ sau một buổi tối đi xem ca trù tại Đình An Biên (Hải Phòng).
Hoạ sĩ Xuân Diệu muốn vẽ góc nhìn ca trù khác. Anh vẽ 3 người có bố cục dàn trải và quay lưng lại với người xem: kép đàn, ca nương và quan viên (chơi trống, giữ nhịp trống) thì họ có biểu cảm khác. Anh sử dụng họa tiết dân gian cổ của thế kỷ 17-18, thời kỳ mà ca trù được ra đời, để tạo ra một âm hưởng cổ kính mà mình đang hướng tới.
Tranh của hoạ sĩ Phạm Anh Tuấn mang sự đối lập giữa mảng không gian lớn, hay con chuồn chuồn nhỏ nhoi. Kiệm màu, nhẹ nhàng. Sự rung động khe khẽ đối lập với sự tĩnh tại của những mảng trống lớn. Cái anh muốn trong bức tranh là sự đối lập. Cái nhỏ bé tôn cái khoảng trống. Và, những khoảng trống lớn như bầu trời, mặt nước, cái mênh mông của biển, những không gian không có biên giới và như hòa làm một, lại làm cho sự nhỏ bé trở nên nhỏ bé hơn nữa.
“Tôi ưa thích sự đối lập, bởi vì chính sự đối lập lại làm rõ giá trị của điều còn lại” – Phạm Anh Tuấn bày tỏ.
Tranh chân dung và tĩnh vật của hoạ sĩ Đỗ Tuấn Thành có nhiều nét tương đồng trong cảm xúc và bút pháp biểu hiện. Họa sĩ chồng nhiều lớp màu để tạo nên hình, khiến vật thể trong tranh như những bóng nắng, xôm xốp và rung động. Cũng đôi khi thấy những đường viền công tua đen, đứt quãng. Anh chọn những chủ đề nhẹ nhàng, nhưng màu sắc và biểu hiện của anh trong các tác phẩm lại thể hiện những cảm xúc dồn nén mạnh mẽ.
Nhà điêu khắc - hoạ sĩ Nguyễn Viết Thắng cho biết, hàng ngày không dự định trước mình sẽ vẽ gì, mà để nét màu tự đi ra theo mạch, để nó tự gợi ý, tự lôi ra trong đầu rồi chính nó lại soi chiếu ngược vào bản thân anh.
Hoạ sĩ luôn tâm niệm “nghệ thuật là tự thân, áp đặt ít nhất có thể cái của mình vào nó”. Vì thế, anh thường tận dụng những vật làm sẵn. Nhiều điêu khắc gốm của anh thường mang tính sắp đặt - lắp ghép như trò chơi của trẻ con với ý thức tối giản; còn hội họa, đôi khi nhặt được tờ giấy, bồi lên, với trạng thái của nó mà đi tiếp vào hình, màu.
Nghệ thuật của Nguyễn Viết Thắng đề cập nhiều đến khoảng rỗng. Vỏ bên ngoài đối với anh chỉ là cái cớ tạo hình cho phần không nhìn thấy - cái vắng mặt mang chức năng chứa đựng.
Gần đây, họa sĩ Phạm Hoàng Hà theo đuổi giấy Dó, bột màu. Anh chuyển sang một thái cực hoàn toàn đối lập: vẽ những cô gái nhỏ mang một phần nét đẹp của thiếu nữ, rất gần với chất lãng mạn của văn học Nga. Họa sĩ tìm đến với giấy Dó bởi chất liệu hội họa này cho anh cảm giác ào ạt, loang tự nhiên - cùng với chất màu bột xốp, tươi và đẹp lên sau khi khô. Giấy Dó, bột màu, chân dung cô gái nhỏ và những bức tĩnh vật là một trạng thái cảm xúc mới mẻ mà họa sĩ đang say sưa khám phá.
Họa sĩ Bùi Anh Hào vẽ nhiều phong cảnh sơn dầu về vùng đồi núi hoang vắng. Tranh của anh dùng nhiều mảng miếng, ít nét và kiệm màu. Đôi khi là trạng thái câm lặng của những khối bồng bềnh - giằng co giữa hiện thực và lý tưởng hóa.
Họa sĩ Đặng Tiến có sức sáng tác mạnh mẽ. Hoạ sĩ vẽ nhiều tranh phong cảnh, tĩnh vật và người. Một điểm chung ở tranh Đặng Tiến là người xem không khó để nhận thấy cái chất mỹ cảm khá riêng và tinh tế, xuyên suốt các sáng tác của ông.
Với tranh phong cảnh, chất riêng ấy thể hiện rõ nét hơn cả ở màu sắc xa vắng, những bờ bãi và bóng hình khó nắm bắt nhưng đầy rung cảm.
Tranh chân dung của Đặng Tiến có nhiều biến đổi. Những nhân vật thời kỳ đầu trong tranh mang tính xã hội - văn học. Giai đoạn sau ông vẽ người hiện thực rồi ngày càng trở nên khái quát chú trọng nét giản lược, biểu đạt khúc chiết, mang đến chiều sâu tâm lý tinh tế hơn. Xem tranh Đặng Tiến, có một cảm giác dễ chịu có lẽ bởi chất mỹ cảm và hiện thực vẫn được trân trọng, nhưng cũng không dễ gì lướt qua.