Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thông tin, trong tuần 36 (ngày 5/9 đến 9/9), TP ghi nhận 547 ca mắc. Số mắc tăng 46,3% so với tuần trước (374 ca). Bệnh nhân ghi nhận tại 29 quận/huyện, trong đó ca mắc tập trung chủ yếu tại: Đan Phượng, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì, Hà Đông và Cầu Giấy.
Như vậy trong năm 2022, Hà Nội có 2.263 ca mắc, 3 trường hợp tử vong. CDC Hà Nội khẳng định số mắc tăng gấp 3,7 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (600 mắc và 0 tử vong). Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.
Từ đầu năm đến nay, TP đã ghi nhận 240 ổ dịch tại 27 quận, huyện. Hiện tại còn 80 ổ dịch đang hoạt động, CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao so với tuần trước và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang cao điểm mùa dịch.
BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thông tin, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó. Nguyên nhân có thể do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau nhiễm Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Ngoài ra do suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị Covid-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ "quên" kiến thức về sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là căn bệnh quen thuộc, tồn tại hàng chục năm qua tại Việt Nam. Đa số bệnh nhân đều tự phục hồi sau 7-10 ngày, chỉ một bộ phận chuyển nặng nên nhiều người lơ là.
Sốt xuất huyết thường giảm sốt sau ngày thứ 3, người bệnh dễ chịu hơn và nghĩ rằng đã khỏi bệnh. Nhưng đây lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất, dễ xảy ra các biến chứng.
Theo các bác sĩ, trong giai đoạn ngày thứ 3-7 của bệnh, khoảng 10-20% bệnh nhân mệt mỏi hơn, tay chân nổi ban, đau vùng bụng bên phải, buồn nôn, chảy máu răng, máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, tay chân lạnh... Đây là triệu chứng của sốc.
Nếu không được nhập viện, hồi sức kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Diễn biến này có thể xảy ra ở mọi đối tượng mắc sốt xuất huyết. Hiện đã ghi nhận một số bệnh nhân sốt xuất huyết bị truyền dịch sớm, tiêm thuốc vào bắp khiến bệnh trở nặng, nguy kịch.
Để cung cấp thuốc chống sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, ngày 9/9, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết gồm: Dextran 40, dextran 70, hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton.
Về bệnh tay chân miệng, trong tuần 36, Hà Nội ghi nhận 24 trường hợp mắc. Như vậy năm 2022, TP ghi nhận 1.349 ca mắc; số mắc tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2021(198 ca). Ở tuần 36 này, Hà Nội cũng ghi nhận 2.069 người mắc Covid-19. số ca mắc giảm 12,1% so với tuần trước (2.353 ca). Năm 2022, Hà Nội đã tiến hành giải trình tự gen 404 mẫu bệnh phẩm dương tính tại cộng đồng, trong đó biến thể Omicron chiếm ưu thế với 382/404 mẫu (94,5%) nhiễm biến thể Omicron; còn lại 22/404 mẫu (5,5%) nhiễm biến thể Delta. Kết quả giải trình tự gen do Bệnh viện Bạch Mai thực hiện trong tháng 8 ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ các mẫu nhiễm chủng BA.5 so với tháng 7 (tăng từ 20,7% lên 58,1%) và ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4.6. Đến nay BA.5 và các dòng nhánh đã ghi nhận tại 18/30 quận, huyện của TP. |