Xem video:
Mang rừng xanh lên nóc nhà
Sáng tháng 9 nắng ấm, anh Nguyễn Huyền Anh (SN 1985, TP.Đà Nẵng) lên sân thượng căn villa gần núi Sơn Trà của mình. Anh đẩy cửa, bước vào không gian ngập tràn hoa lá, rợp mát như một góc rừng thu nhỏ.
Dưới tán bằng lăng cổ thụ, anh ngồi thư giãn nghe tiếng chim hót véo von. Chốc chốc, những chú sẻ thiên đường, hồng yến, thạch yến… sà xuống nhặt thức ăn. Thậm chí, một chú cu gáy còn bay đến đậu lên tay, đầu anh rồi mới cất tiếng gù. Cảnh tượng thật yên bình, thư thái.
Huyền Anh hình thành ý tưởng "mang rừng xanh" lên nóc nhà để nuôi chim cảnh từ nhiều năm trước. Anh thích nuôi chim, cá cảnh từ nhỏ. Hồi còn bé, anh nuôi chim nhiều đến nỗi thường xuyên bị ba mẹ la mắng.
Lớn lên, đi làm, đam mê nuôi chim cảnh của Huyền Anh vẫn không phai nhạt. Dẫu vậy, anh không còn nhiều thời gian để chăm sóc các loại chim quý của mình.
Đặc biệt, Huyền Anh không thích nuôi chim theo cách thức nhốt chúng trong những chiếc lồng nhỏ hẹp, tù túng. Anh muốn chúng được tự do bay nhảy, được sống trong môi trường như ngoài tự nhiên.
Mong muốn trên dẫn anh đến thú chơi lồng chim Aviary (những chuồng chim cảnh lớn, bên trong trang trí cây xanh, hồ nước, tổ chim...). Cách nuôi này giúp các loài chim được cùng sinh sống, phát triển trong một hệ sinh thái, một góc thiên nhiên thu nhỏ.
Tuy vậy, để tạo ra một hệ sinh thái, một góc rừng xanh trên sân thượng không phải là điều đơn giản. Thậm chí, có thời điểm, suy nghĩ này từng bị xem là điều không tưởng.
Anh kể: “Khi biết tôi đem những cây cảnh lớn, thậm chí là những cây cổ thụ lên trồng trên sân thượng, nhiều người không tin và ra sức căn ngăn. Lúc đó, tại Việt Nam cũng chưa có người đi trước nên tôi gặp rất nhiều khó khăn".
"Tuy nhiên, khi tìm hiểu, tôi được biết, nếu chống thấm tốt thì hoàn toàn có thể trồng cây trên mái nhà. Tôi tìm hiểu ở Singapore thì thấy người ta trồng cây lớn trên sân thượng rất nhiều. Thậm chí họ trồng như một cánh rừng nhỏ”, anh nói thêm.
Với quan niệm “người ta trồng được thì mình cũng trồng được”, anh quyết tâm đầu tư vào kỹ thuật chống thấm sân thượng. Cũng học tập từ nước ngoài, anh nhập, sử dụng loại vỉ chuyên dụng chống rễ cây đâm vào tường trước khi trồng cây trên sân thượng của mình.
Sau khi hệ thống chống thấm, chống rễ cây hoàn tất, đảm bảo đúng kỹ thuật, anh thiết kế các bể, chậu lớn để trồng cây. Ngoài các loại hoa, cây cảnh nhỏ… anh trồng thêm một cây bằng lăng cổ thụ, một cây hoa sứ, cây chanh cổ khoảng 30-40 năm tuổi.
Anh chia sẻ thêm: “Tôi sống trong khu vực rốn bão. Do vậy, tôi cùng các kiến trúc sư nghiên cứu, xây tường làm sao để tránh hướng gió. Ngoài ra, lồng lưới bao quanh khu vườn để nuôi chim cũng có tác dụng cản gió. Nhóm thiết kế cũng cố gắng biến tấu, cách điệu các cột thép dùng để giăng lưới.
Chúng tôi cắt các lá thép, cách điệu chúng thành hình cành cây, lá cây. Việc này vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa để chống gió. Với cách này, qua 3 mùa mưa bão, những cây cổ thụ trồng trên sân thượng không hề bị hư hại, đổ gãy”.
Nhà chung của những loài chim quý
Sau khi hình thành hệ sinh thái thu nhỏ trên sân thượng với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng, Huyền Anh bắt đầu cho những chú chim quý của mình vào ở. Không gian sống gần như môi trường tự nhiên của chiếc lồng khổng lồ khiến đàn chim sinh trưởng, phát triển tốt.
Để thỏa mãn đam mê nuôi chim, Huyền Anh nghiên cứu, đặt mua nhiều loài chim quý từ trong nước và các quốc gia trên thế giới. Tất cả các loài chim ngoại đều được anh nhập về Việt Nam bằng đường hàng không.
Hiện nay, vườn chim trên sân thượng của anh có các loại finch (các loài họ sẻ) với màu sắc, ngoại hình đẹp, quý như: Sẻ thiên đường, manh manh, gold finch, parrot finch, má cam, lavender..
Anh cũng nuôi các loại yến như: Thanh yến, hồng yến, thạch yến... Ngoài ra, anh cũng nuôi các loại chim đặc hữu, gần gũi với người Việt Nam như: Chim hút mật, cu gáy, chào mào, chim oanh, chích chòe đất, chích chòe nước, các loài chim ruồi...
Sau 3 năm xây dựng, hiện nay, hệ sinh thái trên mái nhà của anh Huyền Anh phát triển tốt. Các loài chim quý ngoại nhập cũng thích nghi, sinh trưởng tạo thành vườn chim với khoảng 100 con. Việc này khiến anh trở thành một trong những người nuôi chim quý nổi tiếng tại Việt Nam.
Thú vui này cũng giúp Huyền Anh giao lưu, làm quen với những người cùng sở thích ở nước ngoài. Anh đặc biệt được “dân chơi Aviary” tại châu Âu, châu Mỹ… liên hệ để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nuôi các loài chim quý, hiếm.
Anh chia sẻ: “Ngoài việc tạo ra một hệ sinh thái cho chim, tôi còn nghiên cứu rất kỹ về từng loại chim được nuôi, đặc biệt là những loài ngoại nhập vì chúng buộc phải thay đổi môi trường sống.
Sau đó, người chơi cũng phải hiểu đặc tính của từng loài nhất là khi chúng đã tạo thành một hệ sinh thái, sống cùng nhau. Nếu không nắm rõ đặc tính từng loài sẽ dẫn đến việc các loài chim dữ tấn công, ăn thịt các loài chim khác”.
Tâm huyết cùng niềm đam mê chơi chim quý bất tận giúp Huyền Anh có một không gian sống xanh mát, rộn rã tiếng chim. Mỗi ngày, anh đều mở cửa, cùng vợ con vào “khu rừng nhỏ” của mình trên sân thượng để ngắm cây, nghe chim hót, tận hưởng không khí trong lành.
Các con của anh Huyền Anh cũng vô cùng thích thú vườn chim của bố. Ngoài việc cùng bố ngắm, chăm sóc chim, các em còn đặt tên cho những chú chim theo tính cách của từng con như: Hung Hăng, Thùy Mỵ, Bạch Tuyết ...
“Mỗi khi có thời gian, tôi đều đưa các con, cùng bạn bè lên vườn ngắm cây, nghe chim hót, hít thở khí trời trong mát. Nhờ có khu vườn và những chú chim, tôi có thêm nhiều phút giây thư giãn và bỏ được nhiều thói quen xấu”, anh Huyền Anh tâm sự.