Cướp gỗ lậu, “trùm bảo kê”
Ngồi hướng dẫn người thợ học việc trong xưởng mộc, anh Phạm Văn Lương (SN 1987, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) bất chợt nhớ lại những lần lầm lỡ của mình. Anh từng 2 lần vào tù ra trại, ngỡ như chôn vùi cuộc đời trong những vết trượt dài.
Lương vốn là người Thanh Hóa. Quê nhà khó khăn, năm Lương lên lớp 5, gia đình quyết định ly hương vào Đắk Lắk để tìm cơ hội thoát nghèo. Mới đến đất khách, cái nghèo còn đeo bám, Lương đành nghỉ học để phụ việc nhà, làm cà phê.
Dẫu vậy, Lương vẫn mong bản thân có một cái nghề để thoát cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nghỉ học được 3-4 năm, anh đi học nghề thợ mộc. Tuy vậy, sau khi ra nghề, trở thành thợ mộc tay nghề cao, Lương lại bắt đầu sa ngã.
Muốn nhanh có tiền, Lương theo nhóm đối tượng xấu đi buôn, khai thác gỗ lậu tại tỉnh Gia Lai. Năm 2012, trong lúc vận chuyển gỗ vừa được khai thác, Lương và 5 đồng phạm bị lực lượng chức năng phát hiện tạm giữ gỗ cùng phương tiện.
Sau đó, nhóm của Lương tổ chức lấy số gỗ trên và bị cơ quan chức năng bắt giữ. Ra tòa, Lương bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam. Sau đó, anh thụ án tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai.
Do cải tạo tốt, Lương được giảm án 4 tháng. Tháng 10/2017, Lương được tha tù. Tuy nhiên, sau khi ra tù hơn 8 tháng, Lương tiếp tục vi phạm pháp luật để rồi bị bắt, đi tù.
Anh kể: “Ra tù, về địa phương, tôi thấy chúng bạn ai cũng thành đạt, có gia đình, cuộc sống ổn định. Thấy vậy, tôi nghĩ nếu làm lại từ đầu thì không biết đến bao giờ mình mới bằng bạn bè. Tôi muốn làm ra tiền thật nhanh nên nghĩ đến việc làm chuyện phi pháp.
Tôi tụ tập đàn em từng quen biết trong trại giam, thành phần bất hảo tại địa phương để bảo kê thu mua nông sản. Khi địa phương vào mùa sầu riêng, tôi cùng đàn em tổ chức bảo kê, buộc thương lái phải trả tiền mới được phép đến địa phương mua loại trái cây này”.
Hoạt động của Lương khiến thương lái, bà con nông dân bức xúc. Ngay lập tức, cơ quan chức năng địa phương lên kế hoạch triệt xóa băng nhóm bảo kê mới nổi này.
Ngày 25/8/2018, Lương bị Công an huyện Krông Búk bắt giữ. Tuy nhiên, lúc này, Lương không hợp tác, không nhận tội, thậm chí có ý chống đối cơ quan chức năng.
Anh nhớ lại: "Trong thời gian bị tạm giữ, tôi được các cán bộ tại trại tạm giữ Krông Búk khuyên nhủ rất nhiều. Sau đó, khi có kết luận của cơ quan điều tra, tôi được gặp cha mẹ, vợ con.
Lúc này, người nhà cũng ra sức động viên, khuyên nhủ tôi. Tôi nhận thấy hành động của mình là sai nên xin gặp cơ quan điều tra để nhận tội”.
Chuộc lỗi
Lần thứ 2 ra tòa, Phạm Văn Lương bị tuyên phạt 2 năm tù. Anh chấp hành án tại trại giam Đắk Trung, tỉnh Đắk Lắk trong sự hối hận tột cùng. Trong tù, anh mong ngóng ngày trở về để làm lại cuộc đời bằng cách cải tạo thật tốt.
Tháng 8/2020, Lương chấp hành xong án phạt và được trở về địa phương. Anh chia sẻ: “Ra tù lần thứ hai, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi may mắn được gia đình, bạn bè và chính quyền địa phương quan tâm, động viên, hỗ trợ rất nhiều.
Tôi không còn ý định phải kiếm tiền thật nhiều, thật nhanh bằng những việc làm phi pháp nữa. Tôi quay về với nghề cũ. Tôi ôm đồ nghề, xin vào làm thợ đục tượng gỗ cho một xưởng mộc ở địa phương”.
Không còn ý định phải "bằng bạn bằng bè bằng mọi cách", Lương cặm cụi, siêng năng làm việc, tránh xa mọi cám dỗ, rủ rê của bạn xấu, tệ nạn. Sau một thời gian, khi đã tích góp được một số vốn nhỏ, anh mạnh dạn nhờ gia đình hỗ trợ để tự mở xưởng mộc riêng.
Sự tận tình, tỉ mỉ trong công việc cùng tay nghề cao khiến xưởng mộc với diện tích, năng suất khiêm tốn của anh dần được khách hàng chấp nhận, đặt hàng. Lúc này, Lương nghĩ đến việc chuộc lại những lỗi lầm của mình.
Anh tâm sự: “Lần trước, khi đi tù, gặp anh em trong trại giam, tôi cũng hứa hẹn, bàn tính với mọi người là sau này về sẽ làm việc này việc kia. Nhưng khi được ra tù, tôi lại tiếp tục đưa mình và mọi người đi vào con đường sai lầm.
Sau khi vào trại lần thứ 2, tôi nhận ra rằng, nếu không thay đổi con người, không thay đổi lối suy nghĩ cũ để hướng đến việc hoàn lương thì sẽ lại vào tù ra tội, lại làm khổ cha mẹ, vợ con”.
Thế nên, khi đã tìm được hướng đi đúng để hoàn lương, anh tìm cách hỗ trợ, cưu mang những mảnh đời cùng cảnh ngộ, từng vào tù ra tội như mình. Bước đầu, anh tìm kiếm, liên hệ và mời những người từng lầm lỡ về làm với mình tại xưởng mộc.
Tại đây, những người chưa có kinh nghiệm, anh sẽ đào tạo miễn phí. Không chỉ thế, những người này còn được anh hỗ trợ 6-7 triệu đồng/tháng. Khi đã cứng nghề, thành thợ, tùy tay nghề, anh trả lương cho họ từ 12-15 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, xưởng mộc của anh Lương có 6 thợ chính thì có đến 5 người từng lầm lỡ, có thời gian vào tù ra trại. Cá biệt, có người mang đến 3 tiền án. Tuy vậy, anh vẫn chưa có ý định dừng việc thu nhận, hỗ trợ thêm những người vừa tái hòa nhập cộng đồng.
Anh đang lên kế hoạch mở rộng xưởng mộc để có thể giúp đỡ, cưu mang thêm nhiều người vừa thụ án xong. Anh nói: “Tôi muốn hỗ trợ những người này vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, khi mới trở về, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm việc làm, tạo thu nhập.
“Ít nhiều xã hội vẫn e dè, có khoảng cách với họ. Việc này càng khiến họ e ngại, khó hòa nhập với cộng đồng. Tôi từng trải qua những sai lầm như họ và đã đứng dậy được nên tin tưởng họ cũng sẽ làm được như mình. Vì thế tôi rất muốn hỗ trợ họ, tạo cơ hội cho họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng”.
Với suy nghĩ này, khi nhận những người có tiền án vào làm việc, anh rất yên tâm, tin tưởng. Anh luôn tin, những con người này “cũng như mình” trước kia, nếu có công việc, nghề nghiệp ổn định, họ sẽ hoàn lương, không tiếp tục vi phạm pháp luật. Bởi, không ai muốn bị mất tự do, muốn bị tù tội.
Cuối cùng, anh Lương mong ước Nhà nước có quỹ, vốn để hỗ trợ cho người mới tái hòa nhập cộng đồng để họ có vốn làm ăn, tìm sinh kế. Bởi, trong thời gian cải tạo, chấp hành án, những người lầm lỡ được dạy rất nhiều nghề.
“Tuy nhiên, khi tái hòa nhập cộng đồng, không phải ai cũng sẵn có nguồn lực, vốn để tự đứng lên trong khi xin việc làm lại rất khó. Do vậy, nếu được tạo điều kiện vay vốn, cấp vốn, họ có thể tự phát triển các nghề đã học, tự tạo ra thu nhập. Khi đã có nghề nghiệp, có thu nhập ổn định, họ sẽ không phạm pháp nữa”, anh Lương nhận định.