Năm 2007, trong một lần từ Úc về thăm nhà ở Long Khánh (Đồng Nai), anh Nguyễn Hòa gặp chị Nguyệt Phan (lúc đó 25 tuổi).
Nhà anh Hòa cách nhà chị Nguyệt đúng một cái cổng. Trưa hôm ấy, từ trong nhà nhìn ra, chị Nguyệt thấy một người đàn ông cao ráo, mặc chiếc áo sơ mi màu xám, quần tây, đóng thùng, gương mặt điển trai. Chị đã nghĩ, đây chính là người đàn ông của đời mình.
Chiều cùng ngày, chị Nguyệt đang đi xe máy lên TP.HCM thì bất ngờ gặp lại anh Hòa - cũng chở đứa cháu lên TP.HCM.
Khoảnh khắc nhìn thấy nhau, cả hai cùng xao động nhưng không ai thể hiện ra ngoài. Tối đến, anh Hòa xin đứa cháu số điện thoại của chị Nguyệt rồi nhắn tin làm quen, mời đi uống cà phê. Cứ thế tình yêu đến với họ một cách nhẹ nhàng, nhanh chóng.
Khi đã thành vợ thành chồng, cả hai mới thú nhận, họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. |
Khi anh Hòa trở về Úc, nỗi nhớ cô gái nhỏ nhắn, hiền lành thôi thúc anh gọi điện liên tục, mỗi ngày 4,5 tiếng đồng hồ. Cùng với đó, cứ vài tháng, anh lại về nước thăm chị Nguyệt một lần.
Yêu nhau khoảng 2 năm như thế, anh Hòa ngỏ lời cầu hôn. "Cách cầu hôn của anh không giống người ta. Anh không nói lời yêu mà nói: "Cho phép anh được chăm sóc em. Anh sẽ nuôi em suốt đời".
Thế nhưng khi biết con gái đang yêu người đàn ông lớn tuổi, gia đình chị Nguyệt phản đối kịch liệt. Cả bố và mẹ đều không chấp nhận cho chị - một nữ y tá đang làm việc tại TP.HCM yêu người đàn ông hơn 21 tuổi, từng có 1 đời vợ, lại đang nuôi 3 con gái (lúc đó đang ở độ tuổi 10, 11, 12).
Để thuyết phục bố mẹ chị Nguyệt, anh Hòa nhiều lần xin đến gặp nhưng không được chấp thuận. "Anh đến thì ba mẹ đuổi về. Anh nói chuyện với dì của mình, nhờ dì nói đỡ với ba mẹ. Nhưng ba mẹ mình làm căng lắm, kiên quyết không đồng ý".
Không còn cách nào khác, chị Nguyệt giấu bố mẹ làm thủ tục đi Úc. Sang đến nơi, chị mới thông báo cho gia đình. Bố mẹ chị Nguyệt giận vô cùng. Cả hai tuyên bố từ con.
Không được gia đình chấp nhận nhưng chị Nguyệt quyết đi theo tiếng gọi của tình yêu. |
Nơi xứ người, chị Nguyệt buồn vì tình yêu của mình không được gia đình ủng hộ. Nhưng điều khiến chị hụt hẫng hơn là mọi thứ ở Úc quá khác biệt so với Việt Nam. "Sang đây, mình sống cùng chồng và 3 con của anh. Mình không biết tiếng Anh, tụi nhỏ thì không rành tiếng Việt. Thành ra, hai bên không giao tiếp với nhau được nhiều".
Biết vợ buồn và cô đơn, anh Hòa cố gắng đưa chị đi chơi thật nhiều nơi, mua nhiều thẻ điện thoại để vợ có thể gọi về Việt Nam. Nhưng sự quan tâm ấy cũng chỉ giúp chị Nguyệt vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.
Thời gian đầu, biết vợ buồn và cô đơn, anh Hòa cố gắng đưa vợ đi chơi thật nhiều nơi. |
Cho đến một hôm, con thứ hai của anh Hòa cất tiếng hỏi chị Nguyệt: "Cô có biết làm bánh bèo không?".
Vốn được bố mẹ chiều chuộng, từ nhỏ chỉ ăn rồi học, không phải làm bất cứ việc gì trong nhà, lớn lên đi làm lại chủ yếu ăn ở tiệm nên chị Nguyệt không thạo việc nấu nướng.
Khi thấy con của chồng muốn ăn bánh bèo, chị phải lên YouTube học cách làm rồi mới thể hiện cho cả nhà. Cũng từ đó, mỗi ngày, chị đều dành thời gian học nấu ăn, chăm sóc gia đình.
Vợ cũ của anh Hòa thỉnh thoảng đến thăm con, thấy chị Nguyệt miệt mài học cũng dạy cho chị những món ăn mà lũ trẻ thích.
Dần dần, chị có thể nấu được tất cả các món từ món ăn của Việt Nam như bún, phở, bánh bèo, bánh gai, bánh bột lọc, bánh ít, bánh bao, bánh giò... đến các món ăn Tây.
Đại gia đình trong dịp sinh nhật con trai 7 tuổi của chị Nguyệt. |
Lũ trẻ được chị Nguyệt chiều chuộng, chăm sóc nên mỗi ngày lại dành tình cảm cho chị nhiều hơn.
Khi chị Nguyệt báo tin mang thai, hai con của chồng reo lên vui sướng, riêng bé út lúc đó 12 tuổi thì òa khóc rồi nói: "Baby, you break my heart". Nhưng sau đó, cả 3 bé đều rất thương và quý em.
Thân thiết với vợ cũ của chồng như chị em
Nhiều người không muốn vợ cũ của chồng đến nhà, nhưng chị Nguyệt thì khác. Vì thương lũ trẻ, biết lũ trẻ nhớ mẹ nên mỗi khi vợ cũ của chồng gọi điện báo sẽ đến, chị Nguyệt đều vui vẻ chào đón. Dần dần, hai người coi nhau như chị em.
Khi chị Nguyệt sinh con gái được 8 tháng, bà ngoại của chị ở Việt Nam qua đời nên chị và anh Hòa đưa con về chịu tang.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi rời Việt Nam, chị Nguyệt trở lại gặp bố mẹ. Lúc ấy, nhìn thấy con, cháu, lại thấy được sự tận tâm của con rể, bố mẹ chị Nguyệt mới nguôi giận.
Sau 13 năm kết hôn, hai vợ chồng có trái ngọt là một bé trai và một bé gái. |
Cùng thời điểm đó ở Úc, vợ cũ của anh Hòa đến nhà chị Nguyệt sống để chăm sóc 3 con của mình. "Khi trở lại, thấy khu vườn có thêm rất nhiều cây, nào cam, dưa leo, nào cherry, bắp... hỏi thì chị ấy bảo, trồng để cho Nguyệt ăn", chị Nguyệt kể, giọng đầy hạnh phúc.
Hai chị em còn thân thiết đến mức, thường xuyên cùng nhau đi ăn, uống và tám chuyện. "Có lần, mình đang rửa chén thì chị gọi điện, bảo: "Nguyệt, em biết con nhỏ H. ly dị chồng rồi không? Dạ, em không biết, mà có gì không chị? Trời, nhỏ đó ngày xưa mê ổng (anh Hòa -nv) lắm, em phải coi chừng đó". "Nếu đi đánh ghen thì kêu chị đi cùng nhen'", chị Nguyệt bật cười kể lại.
Anh Hòa thương và chiều vợ con nên mỗi khi rảnh rỗi đều đưa cả gia đình đi du lịch. |
Chồng chị Nguyệt làm việc tại sở cảnh sát Úc. Anh không lãng mạn, ít thể hiện tình cảm nhưng lại là người đàn ông không ngại vào bếp và chăm sóc các con.
"Anh có thể tự làm mắm, nấu ngon tất cả các món Việt. Anh cũng có thể tự đóng bàn ghế, tủ và các vật dụng khác trong ngôi nhà. Mình sinh hai con, một trai, một gái thì anh là người tắm rửa cho con tới tận khi chúng 5 tuổi", chị Nguyệt chia sẻ.
Rất nhiều hoa, quả trong khu vườn của gia đình chị Nguyệt. |
Đến nay, con gái của chị Nguyệt 11 tuổi, bé trai 7 tuổi. Cuộc hôn nhân của chị cũng có những lúc "cười ra nước mắt" nhưng chung quy lại, chị thấy hài lòng và cảm thấy mình may mắn.
"Sống cùng các con của chồng nhưng mình và các con không như chuyện mẹ ghẻ con chồng ồn ào trên mạng. Cả nhà mình đều thương, quý nhau. Chồng mình ít nói lời hoa mỹ nhưng khi mình ốm, anh nấu cháo, chăm sóc tận tình. Biết mình thích hoa, anh không mua tặng nhưng trồng cả một vườn để vợ thoải mái... sống ảo. Anh cũng rất quan tâm và đối tốt với bố mẹ, người thân của mình".
"Khi dịch Covid-19 ập xuống, thấy người dân quê mình gặp nhiều khó khăn, anh đã cùng mình gửi những suất quà về tặng bà con, động viên mọi người vượt qua nghịch cảnh.
Cùng nhau làm việc thiện cũng là một cách giúp hai vợ chồng thêm gắn bó, yêu thương và trân trọng nhau hơn", chị Nguyệt bộc bạch.
Linh Giang
Ảnh: NVCC
Hôn nhân viên mãn của 8X Quảng Ninh với chồng Tây hơn 19 tuổi
Định cư bên Anh nhiều năm, mỗi dịp Tết đến, chị Bùi Thúy Nga lại nhớ da diết những ngày cuối năm được tất bật dọn dẹp, đi ngắm hoa cùng bạn bè.