Đi khắp miền Tây săn tìm cá dầy
Trong khuôn viên khu đất vỏn vẹn 100 m2, anh Phạm Văn Phúc (35 tuổi, ngụ ấp Đông Thạnh, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, Cần Thơ) đang sở hữu nhiều bể nuôi cá giống như cá lóc đồng, cá rô đồng, cá trê... Nổi bật nhất phải kể đến mô hình nuôi cá dầy quý hiếm trong bể bạt.
Anh Phúc cho biết, nghề nuôi cá dầy được anh phát triển từ năm 2017 đến nay, hiện mô hình đã được nhiều người biết đến, chủ yếu bán cá giống vì số lượng chưa đủ để sản xuất cá thịt.
Cá dầy là loài cá nước ngọt, thuộc họ cá quả, phân bố chủ yếu ở hạ lưu sông Mekong. Cá dầy có hình dáng khá giống cá lóc nhưng ngắn, tròn hơn, trên thân có nhiều hoa văn, màu sắc vảy cũng bắt mắt hơn.
Dưới tác động của việc khai thác tận diệt, cùng với việc môi trường tự nhiên càng ô nhiễm, số lượng cá dầy ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm. Việc này đẩy giá thành cá thịt lên rất cao, luôn ở mức hơn 100.000 đồng/kg mà không phải chỗ nào cũng có bán.
"Lúc nhỏ tôi đã được ăn con dầy, hương vị rất khác biệt với cá lóc hay cá bông. Thịt cá trắng, dai và thơm. Cách đây 6 năm, tôi có dịp thưởng thức loại cá này trong nhà hàng, giá rất mắc. Tôi nghĩ bụng nếu mình nhân giống cá dầy bán ra thì nhiều người có thể được thưởng thức một loại đặc sản giá trị như vậy", anh Phúc nói thêm.
Nghĩ là làm, anh Phúc bắt đầu liên kết với các đầu mối kinh doanh thủy sản để tìm con giống. Thời gian đó, anh Phúc đã lần mò gần như hết cả miền Tây, từ An Phú (An Giang) đến Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang. Hễ nghe chỗ nào có cá dầy, anh đều tìm tới để mua nhưng vẫn rất khó gom cá giống.
"Năm 2017, trong chuyến đi về chợ Thứ 11 ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), tôi đợi ở đó 3 ngày liền mới mua được 11 con cá dầy to cỡ ngón chân cái, giá 110.000 đồng/kg. Đem về nuôi, tôi thả trong bể bạt nhưng cá giống sau đó hao hụt, còn có 8 con thôi", anh Phúc cho hay.
Dù có kinh nghiệm nuôi cá lâu năm nhưng khi tiếp xúc với con cá dầy, anh Phúc vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do loài cá này quen sống môi trường tự nhiên nên nuôi nhốt trong bể, cá chậm lớn, khó sinh sản, rất dễ chết.
Thời điểm anh Phúc bắt đầu nuôi cá dầy cũng không có nhiều tài liệu để tham khảo, học tập, anh phải tự mày mò tìm cách thuần dưỡng cá.
"Lúc mới nuôi, đêm nào tôi cũng bật đèn canh xem tình trạng cá thế nào. Một lưu ý nhỏ khi mới thả cá giống là cần phải ngâm cá trong nước muối loãng khoảng 10 phút rồi mới thả ra bể, vì cá bắt về đang bị tuột nhớt, vảy, nếu thả liền vào bể nuôi cá dễ sốc và ngộp thở", anh nông dân 8X bật mí.
Cá nhỏ, giá cao mà không đủ bán
Nhờ sự kiên trì và quyết tâm chinh phục con cá dầy, năm 2019, anh Phúc thành công với việc cho sinh sản lứa cá dầy đầu tiên. Mô hình nuôi, sinh sản cá dầy của anh cho đến thời điểm hiện tại vấn đạt hiệu quả. Theo chủ trại cá giống, cá dầy không cần ép đẻ vì loài này tự giao phối.
Cá dầy sinh sản được tối đa 3 lần/năm, mỗi lần cách nhau 1,5 tháng. Khi cá dầy đẻ, cần canh trứng nổi trên mặt nước thì vớt ra để ngoài. Phải canh khi trứng cá chưa nở, nếu trứng đã nở thì cá giống sẽ hao hụt nhiều. Riêng tỷ lệ hao hụt tự nhiên đã khoảng 30%.
"Cá mới nở ăn trứng nước với trùn chỉ, nuôi từ 70 ngày có thể xuất bán cá giống, kích cỡ 3cm. Còn nếu nuôi cá thịt thì mất khoảng 1,5 năm để cá đạt trọng lượng cỡ 350-400g/con", anh Phúc chia sẻ.
Với 8 con cá giống ban đầu, đến nay anh Phúc đã cho sinh sản và xuất bán hơn 30.000 con cá giống, giá bán dao động 3.500-7.000 đồng/con. Riêng đợt cá giống đầu tiên trong năm 2022, anh Phúc xuất bán 5.000 con, giá bán 7.000 đồng/con, mang về thu nhập gần 35 triệu đồng.
Cũng theo chủ trại cá, hiện cá dầy thương phẩm đang được nhiều nhà hàng, quán nhậu thu mua với giá lên đến 250.000 đồng/kg mà anh Phúc không có đủ nguồn cung ứng. Hiện anh nông dân U40 đã chọn lọc được 100 cặp cá dầy giống, dự kiến trong năm 2022 có thể sản xuất trên 10.000 con cá giống, sau đó anh sẽ tăng đàn để có đủ lượng cá thịt cung cấp theo đơn đặt hàng.
(Theo Dân Trí)