Cá khô nặn từ đất sét
Từ kinh nghiệm vẽ hơn 12.000 tác phẩm cá 3D, anh Nguyễn Tấn Đạt (Quận 3, TP.HCM) tập tành nặn mô hình cá khô bằng đất sét thuần Việt.
Tác phẩm đầu tay được anh Đạt thực hiện vào năm 2020. Thời điểm đó, anh Đạt “mắc kẹt” ở nhà do dịch bệnh Covid-19. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, anh xem lại các phim tư liệu mà mình từng ghi nhận được ở miền Tây.
Càng xem, anh Đạt càng nhớ cảnh vật, con người hào sảng vùng sông nước phương Nam. Từ nỗi nhớ vùng đất đã đi qua, anh Đạt quyết định nặn thử món cá khô, một món ăn đặc trưng của vùng đất “chín rồng”.
Khi bắt tay vào làm, anh Đạt tìm kiếm chất liệu thì phát hiện được loại đất nặn thuần Việt do một thợ thủ công làm hoa đất tạo ra.
“Trước đó, những người chơi đất nặn đều phải sử dụng đất sét của nước ngoài. Lúc làm mô hình món ăn, tôi vô tình biết có một bạn người Việt tạo ra được loại đất sét thuần Việt.
Thế nên, tôi càng quyết tâm thực hiện những mô hình món ăn độc đáo để chung sức quảng bá sản phẩm của người Việt”, anh Đạt cho biết.
Trong quá trình sáng tác mô hình món ăn bằng đất nặn, anh Đạt không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, anh phân vân chọn cách diễn tả món ăn sao cho phù hợp với người xem.
8X Sài thành nói: “Ví dụ, tôi nặn món phở thì nên chọn hình ảnh phở Bắc hay Nam. Món bún bò Huế thì làm theo đúng kiểu Huế hay TP.HCM, sợi bún bò ở Huế nhỏ hơn các nơi khác…
Chọn được đúng hình ảnh món ăn, tôi chuyển sang chọn chất liệu đất, thử nghiệm chất đất nhiều lần rồi kỹ thuật pha màu…”.
Mỗi mô hình món ăn được anh Đạt làm trong khoảng từ 1 đến 2 ngày tùy vào độ khó. Trong đó, anh dành thời gian nghiên cứu lịch sử món ăn theo cách nấu, khẩu vị của từng vùng miền.
Anh còn tìm hiểu cả cách thức chế biến món ăn, tạo cảm hứng thực tế để mô hình thực sự sống động.
Sau món cá khô, anh Đạt mạnh dạn thực hiện mô hình các món mắm, cá lóc nướng, đuông dừa…
Các bộ sưu tập Góc miền Tây, Mâm cơm Tết ba miền, Hộp mứt truyền thống, 30 món ăn Việt Nam… lần lượt được hoàn thành.
Trông như thật, nhiều người nhầm lẫn
Mô hình món ăn đầu tiên được đưa lên mạng xã hội, anh Đạt đã nhận về đánh giá tích cực. Người xem cứ nghĩ đó là món ăn thật nên bình luận: Đói bụng quá, quá dã man đang nửa đêm mà đăng đồ ăn…
Đến khi anh Đạt tiết lộ tất cả đều làm bằng đất sét, nhiều người cảm thấy hoang mang, khó tin. Về sau, mỗi khi anh đăng tải hình ảnh món ăn, cộng đồng mạng đều đặt dấu chấm hỏi thật hay giả.
Anh Đạt hóm hỉnh: “Lúc mình đăng ảnh món ăn thật, nhiều người xem bảo nhau: “Ông Cá (biệt danh của anh Đạt) đăng ảnh thì phải soi kỹ mới biết đồ thật hay giả”. Sự nghi ngờ của cộng đồng mạng khiến tôi tự hào và càng trau chuốt trong từng tác phẩm về sau”.
Sau 4 năm thực hiện các mô hình bằng đất sét, anh Đạt đang thương mại hóa một số tác phẩm. Tùy theo độ khó, kích thước, anh Đạt bán từ 500.000 – 1 triệu đồng/mô hình.
Do tác phẩm đều được làm bằng tay, không qua khuôn đúc nên giá thành cao. Tuy nhiên, một số người yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là các sản phẩm mô hình làm thủ công đã tìm đến và đặt hàng.
Về độ bền của tác phẩm, anh Đạt đã thử nghiệm trưng bày trong 3 năm nhưng vẫn không bị hư hại. Nếu không dính nước thì mô hình có độ cứng, bền màu, không dễ vỡ.
“Nếu đặt mô hình trong hộp kính thì đảm bảo độ bền và màu sắc không thay đổi theo thời gian. Loại đất nặn mà tôi sử dụng đã được dùng làm hoa đất.
Những sản phẩm hoa đất này có tuổi thọ trên 10 năm. Thế nên, tôi hy vọng mô hình món ăn cũng có độ bền như thế”, anh Đạt bày tỏ.
Hiện tại, ngoài mô hình món ăn, anh Đạt còn sáng tác các mô hình trái cây, thủy sản… đặc trưng ở các vùng miền.
Theo anh Đạt, khách du lịch rất thích sản phẩm riêng biệt, độc đáo của vùng đất mà họ tham quan. Ở Việt Nam, sản phẩm Local Brand (thương hiệu địa phương) còn thiếu.
Vì vậy, anh muốn phát triển mô hình đất nặn để du khách mua làm quà tặng, truyền tải thông điệp văn hóa, ẩm thực Việt đến thế giới.
Ảnh: Nhân vật cung cấp