Kỳ 1: Liều sang Ấn Độ thăm bạn trai, 8X Việt choáng ngợp trước cơ ngơi 20.000m2
Làm dâu nhà giàu
Trước khi quen Porithosh Shetty (44 tuổi) qua một ứng dụng hẹn hò vào năm 2019, chị Đỗ Thị Ý (36 tuổi, quê Hà Nội) là một y tá tại TP.HCM. Ngày 23/4 vừa qua, cặp đôi đã làm đám cưới tại khu resort rộng 20.000m2 của nhà Porithosh Shetty ở thành phố Bangalore, Ấn Độ.
Theo truyền thống ở nhiều gia đình Ấn Độ, sau đám cưới, người phụ nữ thường ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Nhưng trong nhà của Porithosh Shetty, chị Ý không phải đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì.
"Trong nhà có hơn 10 người giúp việc, phần lớn là nam giới. Trong đó, một người chuyên nấu ăn, một nam phụ đầu bếp, một người dọn nhà, rửa chén, người làm vườn, người chuyên chăm chó (nhà chồng mình rất yêu động vật nên nuôi rất nhiều chó mèo), người nuôi bò để lấy sữa uống, người ủi đồ, người kết hoa cúng bái. Mẹ chồng mình đang điều trị ung thư nên thêm 1 điều dưỡng chăm sóc và ngủ với bà 24/24", chị Ý nói.
Hàng ngày, sau khi thức dậy vào lúc 8-9h sáng, chị Ý được giúp việc phục vụ trà sữa nóng truyền thống của Ấn Độ (người Ấn gọi là Chai). Trong lúc chị uống Chai, người giúp việc sẽ dọn đồ ăn sáng.
"Nhà chồng mình thường ăn sáng với nước ép trái cây (mùa nào trái đó). Ăn sáng xong khoảng 30 phút, mình đi tập gym tại phòng tập của gia đình. Khoảng 2h chiều, cả nhà mới ăn trưa. Buổi trưa nhà mình thường ăn cơm với cà ri các loại như: cà ri gà, cà ri hải sản... Buổi tối, mọi người không ăn cơm, chỉ uống sữa và trái cây. Nhà mình nuôi bò lấy sữa dùng luôn, dư thì người giúp việc mang ra trước cổng bán vào buổi chiều", 8X Hà Nội chia sẻ.
Trong tất cả các bữa ăn tại nhà, gia đình Porithosh Shetty nói không với các món liên quan đến bò. Khi ăn, cả nhà ăn bằng tay phải. Mẹ chồng sợ chị Ý ăn bằng tay không quen nên thường nhắc chị ăn bằng đũa, muỗng. Nhưng chị Ý nói: “Ở Ấn và ăn đồ Ấn, con muốn ăn bằng tay giống mọi người để cảm nhận rõ nhất về đồ ăn và văn hóa của đất nước chồng”. “Sau đó, mẹ thường khen mình ăn bằng tay khéo và bà rất vui”, chị Ý kể thêm.
Biết chị Ý thích ăn hải sản, mẹ chồng lại đặt hàng từ quê là thành phố biển Mangalore cho con dâu. Bà cũng luôn nói, chị cứ ăn mặc và làm những điều mình thấy thoải mái nhất. Trong nhà, bà coi chị như con gái.
Tuy vậy, cũng có một vài điểm, khi sống ở nhà chồng giàu có, chị buộc phải chú ý. Chị Ý kể: “Trong thời gian sống ở nhà chồng, thỉnh thoảng tiện đường, mình lại đi vào nhà bằng cửa sau bếp. Thấy vậy, mẹ chồng gọi mình lại và nói: “Lần sau con đừng đi cửa sau bếp nữa mà hãy đi cửa chính đằng trước”. Mình hỏi tại sao thì mẹ chồng giải thích là cửa sau người giúp việc đi. Mình chủ nhà đi cửa chính”.
Nhà Porithosh Shetty có 3 khu vực bếp, trong đó có 1 bếp đặt ở trong nhà, 2 bếp ở bên ngoài nhà. Người giúp việc sẽ nấu ở 2 bếp ngoài, bếp còn lại do người trong gia đình sử dụng.
Chị Ý ăn cơm cùng gia đình chồng nhưng mỗi bữa, chị thường luộc thêm đĩa rau, canh hoặc làm món gỏi để ăn kèm. Thỉnh thoảng, bữa tối, chị cũng tự nấu món Việt để hai vợ chồng thưởng thức.
Thấy vợ vào bếp, Porithosh Shetty lại ôm hôn và hỏi xem vợ có cần phụ gì không. Anh cũng nhắc người giúp việc nhặt sẵn hành tỏi, chuẩn bị gia vị để chị chế biến. Khi vợ cần gia vị Việt, anh tìm mua bằng được hoặc nói tài xế tìm mua bằng mọi cách. “Gia vị mua bên này tuy không chuẩn như ở Việt Nam nhưng cũng ổn”, chị Ý bộc bạch về cuộc sống của mình ở quê chồng.
Những đêm tiệc tùng
Theo kế hoạch đã vạch sẵn, Porithosh Shetty và chị Ý sẽ tận hưởng cuộc sống vợ chồng son đến hết năm 2022. Sang năm 2023, hai vợ chồng sẽ tập trung vào chuyện con cái.
“Hai vợ chồng đều từng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ nhưng chưa từng có con. Mình nói với chồng, sang năm, nếu để tự nhiên 6 tháng mà không có thai thì sẽ làm IVF. Anh đồng ý ngay”, chị Ý tâm sự.
Hiện tại, chị Ý đang tận hưởng những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. “Anh luôn nói cám ơn vì mình đã đến bên anh và khiến cuộc sống của anh thêm hoàn thiện. Sợ mình buồn, nhớ Việt Nam, anh luôn dặn, mình có thể về thăm gia đình bất cứ lúc nào nhưng mỗi lần đi không được quá 3 tuần vì anh sẽ nhớ vợ”, chị Ý hạnh phúc kể.
Porithosh Shetty là một doanh nhân (quản lý bệnh viện tư của gia đình và khu resort kinh doanh tiệc cưới). Vì vậy, anh có khá nhiều bạn bè. Mỗi lần tiệc tùng cùng bạn, Porithosh Shetty đều đưa vợ đi cùng. Điều này mang lại niềm vui nhưng cũng là thử thách đối với chị Ý.
Theo chị, bạn bè, đối tác của Porithosh Shetty dù là nam hay nữ, khi gặp nhau đều ôm chào hỏi thân thiết. Lúc đầu chị Ý không thoải mái với điều đó, nhưng từ từ cũng quen. Các bữa tiệc thì thường diễn ra vào đêm muộn, có những hôm hai vợ chồng chị Ý phải tham gia 2,3 bữa tiệc nên về nhà vào lúc 2,3h sáng.
May mắn, gia đình chồng có tư tưởng hiện đại, mẹ chồng tâm lý nên sáng hôm sau, chị Ý không phải dậy sớm. Chị cũng không phải mặc đồ truyền thống giống nhiều chị em dâu Ấn khác.
“Nhiều chị em Việt ở Ấn thấy mình đăng ảnh mặc váy ngắn, thậm chí mặc bikini thì rất bất ngờ. Vì ở nhiều vùng quê, phụ nữ phải mặc đồ truyền thống, bên trong lại phải mặc thêm một chiếc quần bó. Nhưng nhà chồng mình không yêu cầu như vậy”, chị Ý tự hào nói.
Những trải nghiệm khi về làm dâu khiến chị Ý thêm tin tưởng vào quyết định theo chồng đến sống ở Ấn Độ. Chị bộc bạch: “Trước khi quen Porithosh Shetty, mình nghe được nhiều chuyện tiêu cực ở đất nước này. Nhưng khi sống ở đây, mình mới hiểu, Ấn Độ có rất nhiều điều thú vị mà khi ở Việt Nam mình chưa từng biết tới”.
Linh Giang