Nước dâng cao, nhiều hộ gia đình ở một số phường thuộc quận Ba Đình, Hà Nội bị ngập. Bỏ lại những nỗi lo, người già, trẻ nhỏ cùng nhau đến nơi di dời được quận sắp xếp tại số 67 phố Phó Đức Chính (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) để đảm bảo an toàn. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hương có 9 nhân khẩu (gồm vợ chồng bà Hương, con trai, vợ chồng con gái cùng 4 người cháu tuổi lần lượt là 7, 9, 15 và 17) ở phường Phúc Xá có lẽ là hộ gia đình đông người nhất đến nơi lánh lụt. 

Nỗi đau liên tiếp của gia đình 9 người

Nhiều năm trước, vợ chồng bà Hương (67 tuổi) sống ở phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm) cùng con trai, con dâu. Cuộc sống tưởng êm đềm khi 2 cháu nội ra đời nhưng biến cố lần lượt đến khiến gia đình bà trải qua những ngày tháng u ám. 

ba huong didan.jpg
Bà Hương (áo xanh) phải dỗ dành cháu trai để cháu chịu ở yên.

Cháu trai 15 tháng tuổi của bà Hương bị ngã từ trên cao. Dù gia đình đã thăm khám, chạy chữa nhưng đến hiện tại, sức khỏe tâm thần của cháu vẫn bị ảnh hưởng khá nhiều. 17 tuổi nhưng cháu mới học lớp 9. 

Dù buồn chuyện của cháu, cả gia đình bà Hương luôn cố gắng vượt qua cú sốc tinh thần. Nhưng nỗi đau này chưa qua, nỗi đau khác lại tới. 

Khi cháu nội đầu được 12 tuổi, con dâu bà Hương không may mất vì tai nạn. Con trai bà đau buồn sinh bệnh tật, trí lực cũng kém đi. Anh bỏ nghề dạy học và đi làm bảo vệ.

Tiền bạc lo chữa bệnh tật cho con, cho cháu trở thành gánh nặng khiến ông bà lao đao. Tiền bán nhà sau này cũng đủ lo cho sức khỏe của gia đình và trả những món nợ cũ.

Từ đó, vợ chồng bà và gia đình con trai quyết định chuyển về sinh sống cùng gia đình con gái trong căn nhà cấp 4 ở phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) để mẹ con chăm sóc lẫn nhau. Không lâu sau, con rể bà bị tai biến, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động cũng kém đi.

“Tôi cảm thấy không còn gì khổ hơn nữa. Nhiều lúc tự trách số phận sao để gia đình mình gánh mọi nỗi bi thương. Con trai, con rể là chỗ dựa lớn nhất đều gặp biến cố, chồng tôi thì yếu, nhà còn toàn đàn bà trông cậy vào nhau”, bà Hương nói. 

Mọi gánh nặng dồn lên vai bà và con gái. Được đồng tiền nào, cả nhà lại gom góp trả chi phí sinh hoạt và lo cho các cháu ăn học. 

Bà kể, cuộc sống 9 người trong căn nhà cấp 4 chật hẹp rất khó khăn. Mọi việc sinh hoạt, ăn uống đều phải sắp xếp có trình tự, chia giờ tắm gội. Người khỏe giúp người yếu. Các cháu của bà hầu hết đã lớn nên may mắn cũng hỗ trợ được việc nhà. 

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn, lượng nước dâng cao, nhiều hộ gia đình khu vực phường Yên Xá trong đó có nhà bà Hương bị ngập lụt. Lo cho sức khỏe của con, cháu, được sự động viên của chính quyền, bà Hương quyết định cùng cả nhà di dời đến nơi an toàn. 

Sáng 11/9, cả gia đình bà Hương có mặt tại số 67 phố Phó Đức Chính nhận sự hỗ trợ của chính quyền. Cả nhà yên tâm nhưng cháu trai từng bị tai nạn khi 15 tháng tuổi liên tục đòi về. Một lúc, bà lại ra động viên cháu ở lại, đưa cho cháu đồ ăn, nước uống để cháu đồng ý. 

ba huong didan2.jpg
Chồng bà Hương, ông Nguyễn Văn Tiến (72 tuổi).

Như mọi người, gia đình bà được sắp xếp nơi ăn, chốn ngủ, chăn gối,… đầy đủ.

“Cuộc sống lụt lội vất vả là điều không ai muốn. Tôi phải bỏ lại nhà đến đây cũng buồn. Nhưng nhà tôi chật lại đông người, trẻ con thì nhiều nên rất lo. May mắn có sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền, chúng tôi yên tâm hơn rất nhiều. Cuộc sống đã khó khăn giờ còn vất vả hơn. Tôi chỉ mong lũ sớm qua để bà con được trở lại bình thường”, bà Hương chia sẻ. 

Biết ơn tình người trong bão lũ

Từ 17h ngày 10/9, anh Nguyễn Văn Nam đã có mặt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên cơ sở 2 thuộc phường Trúc Bạch, quận Ba Đình (Hà Nội), một trong những điểm tạm lánh dành cho người dân tránh ngập lụt.

Anh Nam cho biết, thời điểm anh rời căn nhà trọ rộng 7m2 ở cụm 3, phường Phúc Xá (quận Ba Đình), trời vẫn mưa tầm tã và nước đã mấp mé bờ sông. “Bây giờ thì nước đã ngập lên đến đầu rồi” – người đàn ông 31 tuổi cho biết.

Câu đầu tiên anh chia sẻ với phóng viên là lời cảm ơn chính quyền, bà con và các mạnh thường quân đã lo cơm nước, thuốc men đầy đủ cho những người dân như anh trong những ngày khó khăn này. 

Anh Nam nói, quê anh ở Thanh Hóa nhưng anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Do hoàn cảnh, chỉ có một mình bà ngoại nuôi anh từ ngày nhỏ. Hiện 2 bà cháu sống trong căn nhà trọ rộng 7m2 bên bờ sông. Cách đây 2 năm rưỡi, vợ con anh đã mất trong một tai nạn. 

Chỉ học hết cấp 2, anh Nam từng làm nhiều công việc tự do. Hiện anh đi bán nước thuê ở Bờ Hồ. Mỗi cuối tuần, bà chủ lại cho anh bán thêm diều để tăng thu nhập. Mỗi ngày, anh nhận được 200 nghìn đồng tiền công. 

Bà ngoại anh năm nay 91 tuổi, vẫn còn đi lại được nhưng bị bệnh gout. Hàng ngày bà vẫn bán đồ chơi cho trẻ em ở Bờ Hồ để kiếm sống. 

IMG_0845.JPG
Anh Nam biết ơn sự giúp đỡ của chính quyền và cộng đồng trong những ngày khó khăn.

Anh Nam cho biết, thu nhập của anh sau khi đóng tiền nhà 1,5 triệu đồng/tháng, gần như không có để tiết kiệm. 

Từ khi Hà Nội bắt đầu mưa bão, anh cũng dừng bán hàng ở Bờ Hồ nên không có thu nhập. Nỗi lo lớn nhất của anh bây giờ là bà đổ bệnh và anh không thể kiếm được tiền vào những ngày lụt. 

Những bữa cơm, chai nước,… và sự chăm lo chu đáo của chính quyền và cộng đồng dành cho bà cháu anh lúc này vô cùng quý giá. 

“Đêm qua tôi không ngủ vì sợ bà ngoại và những người già ở đây có chuyện bất trắc. Nếu chuyện không may xảy ra còn có thanh niên chạy xuống báo cho cán bộ trực”.  

Anh bảo, bây giờ chỉ mong nước rút để được đi bán hàng kiếm tiền, lo sống qua ngày. 

Theo thông tin, một khách sạn lớn trên địa bàn phường cung cấp miễn phí toàn bộ suất cơm, nước uống, bánh ngọt, thuốc men và chăn, gối cho người dân. Các nhu yếu phẩm khác cũng nhanh chóng được người dân xung quanh tiếp ứng, hỗ trợ.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Dân Huy – Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, tính đến chiều tối 11/9, tại đây đã tiếp nhận gần 50 người dân di dời tránh ngập. Sức chứa tối đa của cơ sở là hơn 400 người. 

“Số lượng dân phải di dời rất lớn nhưng hầu như mọi người trú tạm tại nhà người thân hoặc về quê. Ở đây chủ yếu là người già neo đơn hoặc những người tỉnh xa thuê trọ”.

IMG_0888.JPG
Phường huy động lực lượng dân quân, y tế,... sẵn sàng hỗ trợ bà con đảm bảo điều kiện sinh hoạt, ăn ở.

Ông cho biết, trong quá trình tiếp nhận người dân, phường nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cộng đồng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Hiện tại, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bà con về cơ bản đã được đảm bảo. 

Từ khi mở cửa điểm tạm lánh, phường đã huy động các lực lượng dân quân, y tế, công an và cán bộ địa bàn túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe vì có khá nhiều người già mắc bệnh mãn tính. 

Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch cho biết, phường cũng đã chuẩn bị các phương án đề phòng về nơi lưu trú để có thể đáp ứng được số lượng người lớn hơn, nếu tình hình trở nên xấu hơn.