Trong mùa tuyển sinh năm 2022, có khoảng 20 phương thức được các trường đưa ra để xét tuyển. Sự đa dạng trong các phương thức tuyển sinh này khiến nhiều thí sinh lo lắng.
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra hôm nay (ngày 8/5), nhiều thí sinh băn khoăn: “Năm nay, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh và dành rất ít chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các thí sinh ở vùng nông thôn – những đối tượng chỉ có thể tiếp cận dễ dàng nhất với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp – sẽ bị thiệt thòi”.
Trước lo lắng này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, tâm lý thu gọn chỉ tiêu đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là không chính xác.
“Đối với mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ vẫn là phương thức xét tuyển cơ bản và chủ yếu nhất ở hầu hết các trường.
Đối với thí sinh vùng nông thôn được cộng điểm khu vực do điều kiện học tập khó khăn hơn so với học sinh những vùng đô thị. Đây có thể coi là một điểm ưu tiên hơn dành cho các em. Tất nhiên, nếu các em muốn đăng ký vào những ngành "hot", trường “hot” thì phải chấp nhận có sự cạnh tranh lớn hơn”, ông Điền cho hay.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định, năm nay, chưa đến 10% chỉ tiêu được các trường dành cho các phương thức khác. Do đó, tới 90% vẫn xét tuyển theo 2 phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, vì thế cơ hội của thí sinh vẫn rất lớn.
“Ngoại trừ những trường thi tuyển bằng các môn năng khiếu, còn lại hầu hết các trường khác đều có sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Không trúng tuyển vào trường này, các em vẫn có cơ hội ở rất nhiều trường khác.
Tất nhiên, khi mong muốn đỗ vào những trường top đầu thì mức độ cạnh tranh lúc nào cũng cao hơn, dù bằng phương thức nào đi chăng nữa. Chính vì thế, thí sinh luôn cần giữ tâm thế vươn lên để vào được các trường hàng đầu”, bà Thủy nói.
Với xu thế tuyển sinh như những năm gần đây, theo bà Thủy, dần dần cách đánh giá năng lực của thí sinh để vào các lĩnh vực đào tạo ở bậc cao hơn chắc chắn sẽ có sự phân biệt nhằm phù hợp với yêu cầu của mỗi trường chứ không chỉ dừng lại ở việc xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, đó là xu thế của tương lai, còn thời điểm hiện tại việc tuyển sinh cơ bản vẫn giữ ổn định.
Trước lo lắng của thí sinh về số lượng chỉ tiêu dành cho kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm đi, bà Thủy khẳng định, nếu có sự tăng giảm thì chỉ có sự dịch chuyển giữa hai phương thức chính là xét điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ.
Trước câu hỏi: “Làm thế nào để chọn được ngôi trường phù hợp, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, trước hết thí sinh phải xác định được bản thân mình mong muốn điều gì, năng lực của mình mạnh ở đâu. Về tương lai, hãy mạnh dạn mơ về việc sau này mình muốn làm tại một cơ quan, doanh nghiệp theo tính chất và mô hình như thế nào; đâu là nghề mình yêu thích nhất, từ đó mới đưa ra lựa chọn ngành học phù hợp.
“Xác định kỹ đâu là điểm mạnh và hạn chế của bản thân sẽ giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Ví dụ, em nào sợ độ cao không nên chọn ngành nghề phải làm ở trên cao; hay em nào sợ máu không nên chọn ngành nghề phải tiếp xúc nhiều với máu như nhóm ngành y; hoặc em nào bị dị ứng xăng dầu thì đừng chọn những ngành liên quan đến hóa chất xăng dầu, ví dụ như kỹ thuật ô tô.
Một điểm quan trọng, các em nên chọn ngành trước khi chọn trường. Bởi lẽ, giờ đây các trường hầu hết đều đào tạo đa ngành, đa nghề. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chọn được ngành nghề yêu thích tại một ngôi trường tốt nhất có thể và phù hợp với năng lực của bản thân", TS Ngọc nói.
Cũng theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần lưu ý sắp xếp ưu tiên các nguyện vọng vào ngành mình yêu thích trước, đồng thời tận dụng mọi phương thức xét tuyển dựa theo sở trường của mình để có thêm lợi thế khi đăng ký xét tuyển.
Thúy Nga
Những ngành học thí sinh đạt IELTS từ 7.5 có cơ hội trúng tuyển cao
Trong năm 2021, học sinh phải sở hữu IELTS từ 7.5 trở lên mới có cơ hội trúng tuyển vào một số ngành học của Học viện Báo chí & Tuyên truyền hay nhóm ngành Nghiệp vụ An ninh, Nghiệp vụ Cảnh sát của các trường thuộc khối công an.
Thí sinh lo 'thiệt thòi' vì xét tuyển IELTS, các đại học nói gì?
Các trường ĐH ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến các thí sinh dự định dùng điểm thi tốt nghiệp để xét đại học cảm thấy thiệt thòi, điều này có đúng không?
Tuyển sinh đại học: IELTS sẽ được 'chuộng' hơn điểm 10?
‘Cơn sốt’ luyện thi IELTS đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố, khi rất nhiều gia đình cho con luyện thi loại chứng chỉ này. Nhiều phụ huynh nhận thức IELTS là giấy thông hành để vào những trường ĐH top đầu ở Việt Nam.
ĐH Bách khoa lý giải việc lấy điểm SAT cao ngang ngửa Harvard
Trước nhiều ý kiến cho rằng Trường ĐH Bách khoa đặt ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng từ 1520/1600 điểm SAT với một số ngành là quá cao, ngang mức trúng tuyển vào Harvard, MIT, đại diện nhà trường cho rằng, cách nhìn nhận như vậy là chưa đúng.